Tiêu hủy hơn 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật vi phạm
Ngày 21/11, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tiêu hủy hơn 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Toàn bộ số thuốc bảo vệ thực vật này đã được chuyển từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) đến nhà máy của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công tại Hải Dương để tiêu hủy theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức lưu chứa, tiêu hủy các sản phẩm sau thu hồi bảo đảm đúng quy định và an toàn. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng diễn ra ngày càng tinh vi. Phần lớn các trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề chất lượng; buôn bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật, nhập lậu; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng. Nhiều trường hợp ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.
Nỗ lực giải quyết bài toán về kho lưu chứa
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 3606/CT-BNN-BVTV của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu; Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 ngày 13/12/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.
Ngoài việc xử phạt hành chính, hình sự đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng còn buộc các đối tượng phải tiêu hủy số thuốc bảo vệ thực vật bị thu giữ.
Tuy nhiên, việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật sau thu hồi là bài toán khó. Nhiều địa phương không có kinh phí, địa điểm đủ điều kiện tập kết, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vi phạm, tất cả hàng hóa thu giữ đều phải lưu chứa tạm. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật là mặt hàng đòi hỏi phải được bảo quản có điều kiện, tránh gây mất an toàn cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, trước những khó khăn trên, cùng với việc chủ động ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm, từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp các đơn vị liên quan như lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường tại các địa phương tổ chức lưu chứa, tiêu hủy các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam sau thu hồi.
Cụ thể, năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức các đợt tiêu hủy hơn 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật; năm 2018 tiêu hủy gần 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2021, Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận hơn 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ do các lực lượng chức năng thu giữ. Số thuốc trên được giữ ở kho chứa của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn).
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Nguyễn Thị Hà cho biết, việc lưu trữ các loại thuốc bảo vệ thực vật vi phạm không phải chức năng, nhiệm vụ của Chi cục nhưng khi Cục Bảo vệ thực vật đề xuất, từ năm 2016, chúng tôi đã tiếp nhận thuốc bảo vệ thực vật vi phạm và sắp xếp, trưng dụng nhà kho của đơn vị làm nơi bảo quản, cất giữ. Trước đây, do thiếu kho chứa cũng như điều kiện để tiêu hủy cho nên lực lượng chức năng ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, thậm chí e ngại việc bắt giữ các trường hợp thuốc bảo vệ thực vật vi phạm. Từ khi chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp nhận, lưu chứa tang vật, “nút thắt” này đã được gỡ bỏ.
Cần cơ chế phối hợp xử lý
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ tiêu hủy hơn 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật lần này được đánh giá xử lý tiên tiến, tối ưu cho các loại chất thải nguy hại phải xử lý theo phương pháp tiêu hủy với các ưu điểm đặc biệt như: nhiệt độ tiêu hủy cao từ 1.4500C với thời gian lưu cháy dài (hiệu suất phá hủy lớn 99,99%), môi trường kiềm lớn (nên trung hòa hết các hơi axit sinh ra như HCl....), không phát sinh ô nhiễm thứ cấp như các phương pháp khác (tro xỉ sau khi đốt sẽ tham gia vào thành phần clinker làm ra xi-măng). Các khí thải phát sinh trong quá trình tiêu hủy được đưa vào hệ thống thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) Nguyễn Văn Sơn cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã rất nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật vi phạm. Thời gian qua, VIPA cũng phối hợp, tích cực cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái thuốc bảo vệ thực vật cho các đơn vị quản lý nhà nước. Trước những khó khăn liên quan đến vấn đề thiếu kho chứa thuốc bảo vệ thực vật vi phạm, chúng tôi đã đề xuất với các doanh nghiệp của VIPA hỗ trợ, cho các địa phương mượn kho chứa và được nhiều doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Một trong những khó khăn trong xử lý thuốc bảo vệ thực vật vi phạm hiện nay là chi phí tiêu hủy thuốc khá lớn. Lâu nay, chủ yếu là các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật phải tự lo kinh phí xử lý. Về vấn đề này, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sớm có biện pháp phối hợp Bộ Tài Nguyên và Môi trường để cùng xử lý. Bởi lẽ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu phí bảo vệ môi trường thì phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề.
Cùng với việc phối hợp xử lý thuốc bảo vệ thực vật vi phạm, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thời gian tới cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Cần lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, các tổ chức sản xuất, vận chuyển, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Đồng thời, phải quy trách nhiệm, xử lý theo quy định pháp luật đối với người đứng đầu địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng phức tạp, kéo dài.