Tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu và Việt Nam [Kỳ 2]: Thực trạng năm 2020-2021
Ở kỳ trước, bài viết đã nêu tổng quan tiêu thụ toàn cầu, các châu lục, nhóm nước và các nước tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2020 - 2021. Bài viết kỳ này sẽ tổng hợp, bình luận về thực trạng cơ cấu tiêu thụ toàn cầu, các châu lục, nhóm nước và các nước...
KỲ 2: THỰC TRẠNG CƠ CẤU NĂNG LƯỢNG SƠ CẤP TIÊU THỤ TOÀN CẦU, CÁC CHÂU LỤC, NHÓM NƯỚC VÀ CÁC NƯỚC
Bảng 2. Cơ cấu năng lượng sơ cấp (NLSC) tiêu thụ các nước đại diện và toàn cầu năm 2020 - 2021 theo loại nhiên liệu. Đơn vị tính: EJ.
Qua bảng 2 nêu trên cho thấy:
Thứ nhất: Năm 2021 cơ cấu tiêu thụ NLSC của toàn cầu là: Dầu 30,96%; khí đốt 24,43%; than 26,90%; điện hạt nhân 4,26%; thủy điện 6,77% và năng lượng tái tạo 6,71%.
Thứ hai: Cơ cấu tiêu thụ NLSC của các châu lục, khu vực và các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào:
(1) Tiềm năng nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước (các nước Trung Đông, CIS, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ, nhiều nước châu Á - TBD).
(2) Khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong khu vực và quốc tế (nhất là EU, các nước phát triển: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v...).
(3) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong nước cho phép tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng sạch hơn, nhưng có giá thành cao hơn (OECD, EU, v.v...). Nói chung, các nước phát triển và các nước có nhiều loại tài nguyên năng lượng dồi dào thì cơ cấu năng lượng tiêu dùng tương đối dàn trải hơn cho nhiều nguồn.
Than chiếm tỷ trọng cao nhất tại các nước: CH Séc 32,15% (dầu 24,41%; khí đốt 19,65%; điện hạt nhân 16,67%); Ba Lan 42,35% (dầu 31,09%; khí đốt 18,92%); U-crai-na 28,53% (khí đốt 28,23%; điện hạt nhân 23,43%); Ka-zắc-kh-xtan 54,74% (dầu 22,11%; khí đốt 19,30%); Nam Phi 70,89% (dầu 20,89%); Trung Quốc 54,66% (dầu 19,41%); Ấn Độ 56,71% (dầu 26,56%); In-đô-nê-xi-a 39,47% (dầu 34,06%; khí đốt 16,01%); Việt Nam 49,77% (dầu 21,76%; thủy điện 16,44%).
Điện hạt nhân chiếm tỷ trọng cao nhất tại Pháp 36,45% (dầu 30,93%).
Thủy điện chiếm tỷ trọng cao nhất tại các nước: Na Uy 65,86% (dầu 18,54%); Thụy Điển 29,39% (dầu 23,69%; năng lượng tái tạo 21,50%; điện hạt nhân 21,06%); các nước CIS khác 39,29% (khí đốt 26,19%; dầu 19,05%).
Như vậy, đa phần các nước có tỷ trọng dầu chiếm cao nhất (đặc biệt là tại các nước Trung Đông), tiếp theo là nhiều nước có tỷ trọng khí đốt chiếm cao nhất (nhất là tại Trung Đông, châu Phi, CIS), tiếp đến là một số nước có tỷ trọng than chiếm cao nhất (đặc biệt là Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc), cuối cùng là một vài nước có thủy điện chiếm tỷ trọng cao nhất. Chỉ có Pháp có điện hạt nhân chiếm tỷ trọng cao nhất.
Năng lượng tái tạo (phi thủy điện) chiếm tỷ trọng trên 10% tại các nước: Phần Lan 21,56%; Thụy Điển 21,50%; Bồ Đào Nha 20,84%; Bra-xin 19,02%; LB Đức 18,10%; Chi-lê 17,47%; Tây Ban Nha 17,36%; VQ Anh 17,27%; Hy Lạp 15,24%; Niu Zi-lân 13,10%; Hà Lan 12,40%; Ý 11,95%; Úc 10,32%; Áo 10,14%.
Năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) chiếm trên 20% tại các nước: Na Uy 72,2%; Thụy-Điển 50,9%; Bra-zin 46,2%; Niu-Di-lân 40,5%; Áo 37,2%; Phần-lan 34,5%; E-cu-a-đo 32,9%; Cô-lôm-bi-a 32,8%; Bồ Đào-nha 32,3%; Ca-na-đa 29,9%; Peru 29,2%; Việt Nam 22,7%; Tây-Ban-Nha 22,4%; Hy-Lạp 20%.
Kỳ tới: Tiêu thụ năng lượng sơ cấp bình quân đầu người trên toàn cầu và các vấn đề Việt Nam cần quan tâm
PGS.TS NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam