Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch: Tiến thoái lưỡng nan...
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Không chỉ 'được mùa rớt giá', thậm chí sản phẩm khó tiêu thụ, hoặc cơ sở tạm dừng sản xuất...
Hộ anh Mai Xuân Hùng, xã Nga Bạch (Nga Sơn) giảm sâu thu nhập do tôm rớt giá. Ảnh: VIỆT ANH
Hộ sản xuất ngậm ngùi
Xã Nga Bạch (Nga Sơn) có 4 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 87.627m2. Hộ anh Mai Xuân Hùng, ở thôn Đông Thái là một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã với 25.689m2, trong đó diện tích nuôi công nghiệp là 6.000m2, còn lại nuôi quảng canh.
Khi chưa ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg, anh Hùng bán với giá 240-250 nghìn đồng/kg. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, giá tôm giảm xuống còn 170 nghìn đồng/kg, lúc thấp nhất là 130 nghìn đồng/kg.
Thời điểm này, nhà anh Hùng không còn cảnh tấp nập các thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua hàng. Đây cũng được xem là khoảng lặng với những người nuôi tôm trong xã. “Trước, tranh nhau mua, người bán được làm giá. Giờ không chỉ trông cho người đến mua mà bản thân người bán cũng không được định giá nữa”, anh Hùng ngậm ngùi.
Tôm rớt giá nhưng giá thức ăn cho tôm lại tăng. Anh Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, thức ăn đã tăng 3 lần giá. Khách hàng giảm, giá tôm xuống, theo đó, nhu cầu thả nuôi con giống cũng giảm. Nếu trước đây, anh Hùng thả nuôi khoảng 40-50 vạn con giống/lần, hiện chỉ thả khoảng 15-20 vạn con giống/lần.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, ông Mai Hồng Tuyến, cho biết: “Đây cũng là khó khăn chung đối với người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Không chỉ con tôm mà con ngao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngao của Nga Sơn do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa thu mua, đã được thị trường châu Âu chấp nhận. Hiện, ngao đến kỳ thu hoạch nhưng do dịch nên không lưu thông được”.
Đối với huyện Triệu Sơn, chủ lực trong chăn nuôi là lợn và gia cầm. Do giá lợn hơi giảm 40%, giá gia cầm giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 25-40%, dẫn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn, gia cầm trên địa bàn bị giảm mạnh. Ảnh hưởng của dịch, một số cơ sở chăn nuôi gia cầm không thể cung cấp sản phẩm cho thị trường lớn Hà Nội, Bắc Ninh... Ứng phó với tình hình trên, các cơ sở chăn nuôi trang trại, hợp tác xã (HTX) phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Đợt dịch thứ 4 này, trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Lê Xuân Thịnh ở xã Thọ Sơn cũng đối diện những khó khăn. Từ chỗ cung cấp ra thị trường 2 tấn gà/ngày thì nay chỉ còn 4-5 tạ gà/ngày. Doanh thu giảm mạnh, từ 1,1 tỷ/tháng xuống còn 300 triệu đồng/tháng. Trang trại ký hợp đồng thu mua với Công ty TNHH Happy Farm Thanh Hóa (trụ sở tại Nông Cống).
Happy Farm Thanh Hóa là công ty có sức mua tương đối lớn. Trước đây trung bình 1 ngày công ty thu mua khoảng 3-3,5 tấn thịt gà từ hơn 30 trang trại ở các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... Hiện, sức mua đã giảm mạnh, chỉ còn 2/3. Nói về điều này, ông Lê Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH Happy Farm, cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống bếp ăn tập thể bị dừng, nhà hàng, khách sạn đóng cửa, nên việc cung cấp sản phẩm phải thu hẹp. Trong đó, thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhất bị ảnh hưởng là huyện Nông Cống”.
Hợp tác xã loay hoay tìm giải pháp
Dịch bùng phát trở lại cũng khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh loay hoay tìm giải pháp tình thế. Bởi dịch đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ sản phẩm nên không thể duy trì hoạt động như trước mà cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình. Trong sự thay đổi này, đỉnh điểm là một số HTX đã tạm dừng sản xuất.
Một tháng nay, HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) đã cho công nhân nghỉ việc không lương. HTX cũng đã tạm dừng sản xuất, nhưng còn tồn khoảng vài nghìn lít nước mắm.
Đặc biệt, những sản phẩm mắm tép, mắm tôm, nước mắm cốt mang tên Vị Thanh của HTX đã được xếp hạng OCOP 3 sao. Dịch COVID-19 đã “đóng băng” các thị trường Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh... “Khi chưa có dịch, trung bình 1 ngày đưa ra thị trường từ 500- 1.000 lít nước mắm, gần 1 tấn mắm tôm các loại. Giờ HTX hoạt động cầm chừng. Hàng tồn đang còn, khi nào có đơn thì mới đóng hàng”, ông Nguyễn Thế Hoàng, Giám đốc HTX chế biến thủy sản Hải Bình cho biết.
Do nằm trong vùng giãn cách nên việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3 sao nấm ăn, nấm dược liệu của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng ở xã Yên Thọ (Như Thanh) lại càng khó khăn hơn. Mỗi năm, HTX này cho thu hoạch từ 60 tấn nấm trở lên, giá trị trung bình khoảng 1,8 tỷ đồng.
Trước dịch, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 4-5 tấn nấm/tháng, nhưng thời điểm này chỉ dừng 1 tấn/tháng. Các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa nên hàng hóa của HTX không tiêu thụ được, dẫn đến nguồn vốn quay vòng không có. Theo ông Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng: “Hiện tại HTX cũng đang có dư nợ với ngân hàng và Liên minh HTX tỉnh mà không còn tài sản thế chấp để vay thêm. Nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, HTX sẽ vào nhóm nợ xấu. Nguồn vốn để tái đầu tư sẽ không biết thế nào”.