Tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi: Thêm hỗ trợ để phát triển
Phát triển chuỗi tiêu thụ rau an toàn là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Thủ đô. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả hơn nữa.
Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Thái Hiền
Lượng tiêu thụ khiêm tốn
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) là một trong những đơn vị sản xuất rau an toàn có khối lượng lớn trên địa bàn thành phố. Hiện trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp khoảng 10 tấn rau cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng được tiêu thụ theo chuỗi chỉ khoảng 2 tấn/ngày, số còn lại các hộ phải tự lo đầu ra.
Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam thừa nhận: “Hiện chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn của hợp tác xã vẫn gặp khó khăn bởi các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chậm thanh toán, trong khi nông dân cần nguồn vốn để xoay vòng sản xuất nên họ không mặn mà tham gia chuỗi”.
Trong khi đó, đối với những cơ sở quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, việc tiêu thụ rau an toàn cũng gặp không ít trở ngại. Bà Bùi Thị Thanh Hà, hộ chuyên trồng rau an toàn ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) cho biết, mặc dù gia đình đã đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản phẩm đồng đều nhưng việc tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi của gia đình không phải lúc nào cũng thuận lợi do việc tìm kiếm thị trường khó khăn, trong khi chi phí đầu tư xe chuyên dụng vận chuyển rau cùng nhà sơ chế, đóng gói… đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính lớn.
Còn ông Nguyễn Trung Dậu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) nêu thêm bất cập: Do chưa có quy định về thông tin tem nhãn đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, người tiêu dùng cũng khó phân biệt rau an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng với rau sản xuất đại trà.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố đã hình thành 101 vùng trồng rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên/vùng; 35 chuỗi tiêu thụ rau an toàn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ gia đình trồng rau; số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu rau an toàn là 208 đơn vị, với số lượng tiêu thụ trung bình khoảng 42 tấn/ngày. Tuy nhiên, so với sản lượng rau an toàn của thành phố sản xuất khoảng 400.000 tấn/năm thì lượng tiêu thụ trên vẫn là con số khiêm tốn.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay: Các vùng trồng rau xanh của Hà Nội hiện nay chủ yếu là do nông hộ sản xuất, quy mô sản lượng nhỏ lẻ, trong khi đó các siêu thị khi ký hợp đồng đưa ra những tiêu chuẩn, quy định chỉ phù hợp với các mô hình trồng rau an toàn quy mô lớn.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội phân tích thêm: “Các quầy bán rau an toàn trong các cửa hàng, siêu thị nếu tính chi tiết các loại chi phí sẽ rất khó có lãi, bởi đặc thù của rau là “sáng tươi, chiều héo, tối bỏ đi”, nên việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực này nếu không có đủ tiềm lực sẽ rất khó trụ vững trong giai đoạn đầu”.
Hỗ trợ hơn nữa cho khâu tiêu thụ
Đề cập hướng tháo gỡ, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: Xác định trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi phải tuân theo nguyên tắc thị trường, do vậy, hợp tác xã đang tiếp tục tiếp cận với các cơ quan, đơn vị có bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố để có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm...
Khách mua rau sạch tại một cửa hàng ở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt
Tương tự, với Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), sau khi huyện Chương Mỹ đề nghị các bếp ăn tập thể, nhất là các trường học tổ chức bán trú trên địa bàn sử dụng rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thì việc tiếp cận, tiêu thụ rau an toàn của hợp tác xã đã thuận lợi hơn.
Từ thực tế sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn, theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng, quận sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã... có mặt bằng kinh doanh nông sản an toàn, trong đó có sản phẩm rau an toàn tại các chợ truyền thống, khu đông dân cư. Bởi sau nhiều năm, được quận Hà Đông hỗ trợ mặt bằng kinh doanh, lượng tiêu thụ rau an toàn của các hợp tác xã tại chợ Hà Đông đã ổn định. Cụ thể, hiện khoảng 80% sản lượng rau an toàn được tiêu thụ thông qua hợp đồng và bán tại cửa hàng nông sản sạch...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Việc phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Hà Nội. Thực tế, những năm gần đây, sản xuất rau an toàn có những bước phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc định hướng để nông dân sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn trên quy mô lớn, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hai bên cùng có lợi. Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND thành phố bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rau an toàn theo chuỗi, theo hướng hỗ trợ hơn nữa cho khâu tiêu thụ, trực tiếp là người bán hàng.
“Về lâu dài, Hà Nội hình thành các chợ chuyên bán hàng nông sản an toàn, trong đó có sản phẩm rau an toàn ở cả chợ điện tử và chợ đầu mối. Ðồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.