Tiêu thụ thép tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp lãi lớn

Dù giá thép không tăng, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ nhưng trong nửa đầu năm nay, nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng hai con số nên các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn có kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh: VNSTEEL)

Tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh: VNSTEEL)

Sản lượng tiêu thụ tăng

Trong nửa đầu năm nay, ngành Thép Việt Nam trải qua nhiều “biến cố”. Đáng nói nhất là việc chịu áp lực lớn từ thép giá rẻ nhập khẩu. Cụ thể, theo dữ liệu hải quan, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15 - 20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45 - 108 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Điều này khiến một số doanh nghiệp thép trong nước không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu.

Như vậy, để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp thép buộc phải giảm giá bán để cạnh tranh. Dù gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, giá bán neo ở mức thấp, nhưng nhìn chung, trong nửa đầu năm nay, ngành Thép Việt Nam vẫn nhiều gam màu sáng.

Theo VAS, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu trên cho thấy, cả thép sản xuất và thép bán ra thị trường đều tăng trưởng hai con số. Theo lý giải của VAS, nguyên nhân sản lượng thép bán ra tăng khá so với năm ngoái là nhờ hưởng lợi từ ngành xây dựng, khi nửa đầu năm nay, ngành xây dựng tăng 7,34%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2024. “Thị trường thép có tín hiệu phục hồi tích cực, dù chưa phải là dấu hiệu chắc chắn”, đại diện VSA nhận định.

Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận cao

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), tổng tiêu thụ thép thành phẩm 6 tháng đầu năm 2024 của đơn vị này ước đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cán dài tăng 13%, thép cán nguội và tôn mạ tăng trưởng trên 90%. Thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ thép thành phẩm của VNSTEEL, sản lượng thép xây dựng ước đạt 1,13 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. “Sức mua tăng trở lại, thị trường có sự cải thiện đã giúp các nhà sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ, trong đó một số đơn vị có sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như Tisco, Vina Kyoei, Natsteelvina”, đại diện “Tổng” thép cho biết.

Lí giải cho sự tăng trưởng này, VNSTEEL cho biết, ngoài việc tận dụng tốt cơ hội thị trường và những ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế mang lại, VNSTEEL đã làm tốt công tác dự báo thị trường, đưa ra các giải pháp quản trị, quyết định sản xuất kinh doanh phù hợp. “VNSTEEL cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024”, lãnh đạo VNSTEEL cho biết.

Lũy kế trong nửa đầu năm 2024, “Tổng” thép đạt doanh thu hơn 17.590 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 176 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 281 tỷ đồng). Trong năm 2024, VNSTEEL đặt kế hoạch tổng doanh thu 31.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi trước thuế đạt hơn 193 tỷ đồng, VNSTEEL đã hoàn thành hơn 161% kế hoạch năm.

Một doanh nghiệp lớn khác của ngành Thép Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, đơn vị ghi nhận 71.029 tỷ đồng doanh thu và 6.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đặc biệt, sản lượng thép xây dựng quý II của Hòa Phát đạt 1,27 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước. “Tiêu thụ thép xây dựng là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý này, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng thép cán nóng”, đại diện Hòa Phát nhận định.

Theo khảo sát, một số doanh nghiệp thép khác trong nửa đầu năm nay cũng “ăn nên làm ra”. Cụ thể, Nam Kim và Hoa Sen được các công ty chứng khoán dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao trong năm nay. Nam Kim hơn 270% và Hoa Sen thì gấp 28 lần so với năm trước. Những con số này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ và tiềm năng phát triển của ngành thép trong tương lai gần.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tieu-thu-thep-tang-truong-nhieu-doanh-nghiep-lai-lon-post520446.html