Tiêu thụ, xuất khẩu nông sản 'vượt khó' mùa... COVID-19
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là việc tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Song các cấp, các ngành tỉnh ta đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Theo báo cáo của Ngành Nông nghiệp & PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 92.400 ha ngô, sản lượng 389.450 tấn; 36.700 ha sắn, sản lượng 445.000 tấn; trên 8.800 ha mía, sản lượng hơn 1.400.000 tấn; 10.300 ha rau các loại, sản lượng 133.470 tấn và nhất là trên 71.000 ha cây ăn quả (nhãn, xoài, mận, mơ, chuối, thanh long, bơ...) năm nay được mùa, tổng sản lượng ước 256.200 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 10.660 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP; cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu với diện tích trên 4.284 ha; có 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan; đang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Sơn La tại Trung Quốc cho sản phẩm quả nhãn và sản phẩm quả xoài của tỉnh Sơn La.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, các cửa khẩu xuất sang thị trường chính là Trung Quốc có lúc tạm đóng cửa dẫn đến sức mua chậm, giá cả xuống thấp. Ứng phó với tác động của dịch bệnh, tỉnh ta đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng, kịch bản tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Để giúp người dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tỉnh ta tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ trực tuyến với thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và giữa các tỉnh thành phố trong nước. Cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, số lượng, chất lượng, chủng loại, thời vụ để kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Sơn La tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, các yêu cầu về chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu để các doanh nghiệp, HTX chủ động trong việc xuất khẩu hàng hóa của đơn vị. Bên cạnh đó, tổ chức các gian hàng quảng bá, tuần hàng để các HTX đưa nông sản vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị Lotte, Big C tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Tập trung đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản; hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất các nhà máy chế biến nông sản có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, như: Nhà máy Chế biến chanh leo rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu); Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao (Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ); Nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (SI)... Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản thành các sản phẩm sấy khô...
Đến thời điểm này, các sản phẩm nông sản chính của tỉnh ta đã cơ bản được tiêu thụ, nhiều nhất là sản phẩm quả nhãn tiêu thụ 91.500 tấn, xoài 41.455 tấn, mận 51.400 tấn... Tuy mức giá không cao như năm 2019, nhưng vẫn có thu nhập ổn định cho người nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất cho năm 2021, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Có 10 mặt hàng nông sản chính tham gia xuất khẩu (6 mặt hàng quả gồm: Xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận, chuối và 4 mặt hàng nông sản chế biến là đường, cà phê, chè, tinh bột sắn). 8 tháng qua, toàn tỉnh đã xuất khẩu 20.400 tấn cà phê; 6.200 tấn chè; 35.000 tấn tinh bột sắn; trên 4.200 tấn nhãn; trên 7.800 tấn xoài; 1.250 tấn chanh leo; 500 tấn rau; 264 tấn mận hậu; 1.750 tấn chuối... sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm trên 15% sản lượng nông sản tiêu thụ. Giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt trên 70 triệu USD.
Hiện nay, ở nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, song dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, ngoài ra còn ảnh hưởng yếu tố thị trường biến động. Giải pháp lâu dài cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thời vụ sản xuất cây trồng; tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT vào rải vụ, giãn vụ, mở rộng diện tích cây trồng áp dụng quy trình VietGAP để đáp ứng các yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.
Giám đốc Sở Công Thương
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động xuất khẩu, tỉnh ta đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Chủ động điều chỉnh kế hoạch xúc tiến thương mại, kế hoạch xuất khẩu, xác định lại thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ ở cả 3 thị trường: Trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu; trong đó, xác định thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ chính.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã
Thực hiện kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ nhãn năm 2020, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật thâm canh, chăm sóc nhãn theo các tiêu chuẩn an toàn, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX gửi mẫu sản phẩm chào hàng, tham gia các gian hàng hội trợ triển lãm thương mại tại các nước có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Việc gia tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cùng với người nông dân được chú trọng và xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài, đảm bảo đầu ra cho nông sản nói chung và quả nhãn nói riêng.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn (Sông Mã)
HTX hiện có 13 thành viên với 20,6 ha nhãn. Năm 2020, sản lượng nhãn của HTX đạt 300 tấn, chủ yếu là chín sớm. Do tác động của dịch COVID-19, khoảng 60% sản lượng nhãn của HTX chuyển sang chế biến long nhãn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, DuBai. So với bán nhãn tươi, việc chế biến long nhãn giúp chúng tôi chủ động hơn trong khâu bảo quản, thu hái sản phẩm. Doanh thu của HTX năm 2020 đạt 6 tỷ đồng, cao hơn 10% so với năm 2019 do một phần diện tích nhãn của HTX được áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt chuẩn hữu cơ Organic.
Bà Nguyễn Bích Ngọc
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai (Mai Sơn)
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thu gom trên 3.000 tấn nhãn, 5.000 tấn xoài và trên 100 tấn long nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt khâu phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn trong sản xuất. Để sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu, chúng tôi đã phối hợp với các HTX tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.