Tiểu thương chợ Đại Quang Minh - chợ phụ liệu may mặc lớn nhất miền Nam kêu cứu
Nếu không ký lại hợp đồng thuê sạp, tiểu thương kinh doanh tại chợ Đại Quang Minh - chợ phụ liệu may mặc lớn nhất miền Nam sẽ bị lấy lại sạp.
Buôn bán đìu hiu nhưng giá thuê cao ngất
Chợ Đại Quang Minh (còn được biết đến là khu chợ phụ liệu may mặc lớn nhất miền Nam) thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Thương mại dịch vụ Sài Gòn (Công ty Satraseco).
Khu chợ phụ liệu may mặc này vốn có 150 tiểu thương kinh doanh song do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch hai năm qua, tới nay chỉ còn 138 tiểu thương mở sạp buôn bán. Dù việc kinh doanh vốn đang ế ẩm nhưng cuối tháng 3/2022, Công ty Satraseco đã gửi thông báo đến từng tiểu thương tại chợ về việc tăng giá thuê sạp đến 150% khiến họ thêm áp lực.
Theo các tiểu thương cho biết, hơn 30 năm qua kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh họ chưa bao giờ bị tăng giá sạp đột ngột như lần này. Những năm trước, giá có tăng chỉ quanh mức 10 đến 30%. Chính vì vậy khi Công ty Satraseco gửi thông báo tăng giá thuê sạp 6 tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 với mức tăng đến trên 150% đã khiến 138 tiểu thương phải làm đơn gửi Chi cục thuế quận 5, TP. Hồ Chí Minh để xin tạm ngưng kinh doanh, thể hiện sự phản đối với doanh nghiệp này.
Tiểu thương Gịp Sương Hùng quầy 1-5/33 cho biết: Sạp của ông có diện tích thuê 11,38m2 và hiện đang trả phí thuê là 11,255 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên nếu áp theo giá mới từ ngày 1/7/2022 sẽ có giá thuê là 22,23 triệu đồng/tháng và sau ngày 31/12/20222 sẽ có giá mới là 29,64 triệu đồng/tháng.
“Như vậy, trong vòng 1 năm Satraseco đã điều chỉnh tăng giá lên trên 150% so với mức giá hiện tại chúng tôi đang thuê. Đáng nói, công ty còn quy định tiểu thương phải đặt cọc 3 tháng nhằm đảm bảo nghĩa vụ trong suốt quá trình thuê”- tiểu thương Gịp Sương Hùng bức xúc.
Theo bà Trịnh Thị Thu Thủy, tiểu thương chợ phụ liệu may mặc này, hiện việc buôn bán tại chợ sa sút do ảnh hưởng dịch nên nếu tăng giá bất hợp lý như vậy tiểu thương không đồng tình.
Cũng do một số điểm chưa đồng thuận, tại thời điểm này, nhiều quầy sạp trong chợ Đại Quang Minh đang treo băng rôn ghi rõ nguyện vọng như “Yêu cầu Ban giám đốc Satraseco đối thoại với tập thể tiểu thương!”, “Phản đối Satraseco chiếm dụng vốn”, “Cực lực phản đối Satraseco tăng giá thuê trên 200%”…
Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Trước diễn biến tiền thuê quầy tăng cao và ký quỹ, đặt cọc để tái ký hợp đồng, các tiểu thương đã nhiều lần gửi đơn, thư đến công ty và các cơ quan chức năng, thậm chí nhiều tiểu thương đã đến tận công ty đề nghị đối thoại tập thể.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ phỏng vấn bà Trương Minh Kiều - Chủ tịch UBND quận 5 và được cho biết: Quận có nắm tình hình và ở góc độ trách nhiệm của quận, địa phương tới đâu sẽ chỉ đạo xử lý tới đó. Tuy nhiên đây là hợp đồng dân sự giữa hai bên nên những thông tin mà các bên nêu không thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Được biết, ngày 5/5/2022 UBND phường 14 (quận 5) đã có văn bản gửi tới Satraseco để kiến nghị công ty xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện tái ký kết hợp đồng và tăng giá thuê sạp. Qua làm viêc công ty đã đối thoại với tiểu thương nhưng vẫn theo cơ chế cũ - đối thoại riêng từng người và xác định sẽ giảm giá 10% với tiểu thương ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, theo bà Lưu Hữu Trân, Satraseco có gọi lên đối thoại nhưng chỉ gọi riêng từng người chứ không tổ chức đối thoại tập thể. “Mong muốn của chúng tôi là đối thoại công khai để biểu quyết thỏa thuận giá chứ không muốn đối thoại riêng từng người” - bà Trân nói.
Satraseco tiền thân là Công ty Vải sợi May mặc TP. Hồ Chí Minh, thành lập năm 1976 trực thuộc Sở Thương nghiệp. Cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngày 30/5 vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty Satraseco Phạm Thế Hanh đã ký thông báo gửi các tiểu thương khẳng định việc tái ký hợp đồng là phù hợp quy định của pháp luật, nhằm mục đích các bên tiến tới thỏa thuận để ký hợp đồng. Công ty khẳng định sẽ không chấp nhận việc bị ép giá, ép buộc giữ giá để ký hợp đồng. Trong trường hợp khách hàng và công ty không thể thống nhất được việc ký kết hợp đồng, công ty buộc lòng phải tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng và thu hồi quầy sạp…
Theo giải thích của Công ty Satraseco, mức giá điều chỉnh phù hợp với thị trường và căn cứ theo giá mặt bằng chung trên cơ sở diện tích và hệ số K (giá dựa vào vị thế, vị trí đắc địa...). Thậm chí, theo Satraseco, giá thuê đang ở mặt bằng chung rất thấp nên kỳ điều chỉnh này công ty tăng theo đúng với thị trường. Để tránh tăng quá mạnh, họ còn chia làm 2 đợt trong năm. Giai đoạn 1 là 6 tháng đầu, tăng 40-60% và giai đoạn 2 là 6 tháng tiếp tăng 40-50%. Ngoài ra, mức giá thuê mới là phù hợp với giá trị tiểu thương sắp nhận được vì công ty đang cải tạo sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phục vụ tốt hơn. Riêng với tiền đặt cọc 3 tháng, Satraseco giải thích giao dịch liên quan đến bất động sản thì đều có điều khoản đặt cọc và điều này phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.
Mai Ca - Minh Khuê