Tiểu thương Đà Nẵng than trời vì buôn bán ế ẩm, mặt bằng tăng cao
Hàng trăm tiểu thương chợ siêu thị Đà Nẵng đối diện khó khăn vì buôn bán ế ẩm, trong khi giá thuê mặt hiện cao gấp đôi chợ truyền thống và chủ đầu tư tiếp tục đề xuất tăng thêm.
Bỏ chợ vì ế ẩm, không đủ tiền trả mặt bằng
Ghi nhận của Kinh tế và Đô thị tại chợ siêu thị Đà Nẵng (đường Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) lúc 9 giờ 30 sáng 1/11, không khí buôn bán ế ẩm. Tại tầng 2 nơi bán các mặt hàng như quần áo, tạp hóa…, mãi đến gần trưa mới có vài ki ốt mở cửa, nhưng tiểu thương cũng chỉ ngồi ngóng khách, chẳng có ai đến hỏi mua. Hơn 30 phút có mặt tại khu vực bán quần áo, chúng tôi không hề thấy một khách hàng nào đến.
Ở tầng trệt, các gian hàng bán nhu yếu phẩm như rau củ quả, cá thịt cũng lác đác vài người dân đến mua, dù đang tầm buổi chợ. Những quầy bán trái cây trước chợ đìu hiu tương tự. Khu vực giữ xe máy vào chợ phía đối diện cũng chủ yếu là xe của học sinh tại những trung tâm tiếng Anh gần đó đưa vào gửi. Nhiều tiểu thương đã phải bỏ chợ vì tình trạng buôn bán ế ẩm, không đủ tiền chi phí và trả mặt bằng.
“Tình hình kinh tế suy thoái nên buôn bán cực kỳ ế, chúng tôi phải đi vay ngân hàng để nộp tiền thuê mặt bằng cho công ty. Mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng cùng công ty để giữ mặt bằng tại chợ. Giá thuê mặt bằng 360 ngàn đồng/m2 đã gấp đôi chợ truyền thống, mà bây giờ tăng lên 681 ngàn đồng/m2, chúng tôi chịu không nổi”- bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, tiểu thương bán các mặt hàng bánh kẹo ở tầng 2 nói.
Cũng đối diện với nguy cơ phải bỏ chợ vì buôn bán khó khăn không đủ tiền chi trả mặt bằng và nhiều chi phí khác, tiểu thương Trương Thị Lụa (bán trái cây) than thở: “Từ năm 2020 đến nay, công ty đã tăng 160% tiền thuê mặt bằng thì người dân làm sao chịu nổi. Mong muốn của chúng tôi là được giảm tiền thuê mặt bằng để tiểu thương ổn định tâm lý buôn bán”.
Cũng theo bà Lụa, ngoài mặt bằng đang cao, các tiểu thương hàng tháng phải chi trả 70 ngàn đồng tiền vệ sinh, 80 ngàn đồng phí bảo vệ. Chưa kể trước đó họ bỏ chi phí ra đầu tư các ki ốt.
Nhiều tiểu thương khác cũng chia sẻ, từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra đến nay họ gặp khó khăn vì ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế, sức mua giảm hẳn. “Nhiều người phá sản vì hàng quá hạn phải đổ bỏ, gắng gượng qua ngày. Có ngày khách lên tầng 2 mua hàng không tới 10 người. 5 đến 7 ngày không bán mở hàng là chuyện bình thường với chúng tôi ở đây” – một tiểu thương xin giấu tên cho biết.
Cũng theo ghi nhận tại tầng 2 chợ, hàng loạt ki ốt đóng cửa, thông báo sang nhượng, một số phía trước có dán thông báo nợ và thu hồi lô do thiếu tiền mặt bằng. Qua tìm hiểu, khá nhiều người phải “bỏ chạy” vì buôn bán không đủ trang trải chi phí và tiền mặt bằng. “3 ngày nay không bán nổi 1 cái áo thì lấy đâu ra chi phí” – chủ một quầy bán quần áo ngao ngán nói.
Nguy cơ đóng cửa chợ
Chợ Siêu thị Đà Nẵng do doanh nghiệp đầu tư, khai thác, nhưng mức giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại đây phải do TP phê duyệt.
Tháng 12/2011, Chợ siêu thị Đà Nẵng chính thức khai trương đi vào hoạt động. Với cơ sở hạ tầng rất tiện nghi, chợ được phân tầng chức năng theo hướng văn minh thương mại, dành hẳn tầng hầm để làm khu vực gửi xe của khách, 12 thang cuốn, 1 thang máy và 1 thang hàng. Chợ gồm 493 ki ốt, các tầng kinh doanh được sắp xếp thành những phân khu theo ngành hàng cụ thể như: thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, đặc sản, khu giải trí, ẩm thực...
Theo tìm hiểu, mức giá thuê mặt bằng hiện nay tại chợ là 360 ngàn đồng/m2/tháng, đã cao gấp đôi so với chợ truyền thống (180 ngàn đồng/m2/tháng). Tuy nhiên, chủ đầu tư lại đề xuất phương án giá mới 681 ngàn đồng/m2/tháng mức giá tối đa, trong khi Sở Tài chính Đà Nẵng thẩm định trình UBND TP phê duyệt ở mức 393 ngàn đồng/m2/tháng.
Cả tiểu thương và chủ đầu tư đều cho rằng mức giá thuê này không hợp lý. Các tiểu thương than mức giá như vậy quá cao, còn chủ đầu tư thì nói quá thấp, dẫn đến “xung đột” về giá thuê mặt bằng hai bên.
Liên quan vấn đề tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360 nghìn đồng lên mức 681 nghìn đồng/m2/tháng, ông Trần Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh là vì giá thuê đất theo chu kỳ mới mà doanh nghiệp phải trả đã tăng đột biến.
Cụ thể, chu kỳ từ 2013-2014, công ty được miễn tiền thuê đất. Chu kỳ 2015-2019, tổng mức UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ công ty (trực tiếp và gián tiếp) về tiền thuê đất hằng năm là 1,158 tỷ đồng/năm, công ty chỉ đóng 7 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến chu kỳ tiền thuê đất 2020-2024, mức đơn giá thuê đất mới đã tính lại theo Thông báo số 3791/TB-CTDAN ngày 3/10/2022 của Cục thuế Đà Nẵng là hơn 2,122 tỷ đồng/năm, tương ứng với số tiền thuê đất công ty phải nộp hằng năm tăng thêm là 1,539 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, mức tăng này là rất cao nhưng không hiểu vì sao công ty vẫn chưa nhận được thông báo của thành phố về việc có tiếp tục hỗ trợ với mức 1,158 đồng/năm như đã áp dụng trong chu kỳ 2015-2019. Trong khi đó, công ty phải chịu những khoản chi phí khác như chi phí quản lý, chi phí lãi vay tăng cao, khấu hao, chi phí điện nước tăng cao.
Vì vậy, công ty đã xây dựng phương án tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360 nghìn đồng lên 681 nghìn đồng/m2/tháng (đơn giá tối đa) gửi Sở Tài chính. Tuy nhiên, ngày 29/8/2023, phía công ty nhận được công văn dự thảo mà Sở Tài chính trình UBND TP Đà Nẵng là chỉ chấp nhận đơn giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng là 393 nghìn đồng/m2/tháng.
Theo ông Hoàng, đơn giá này quá thấp. Bởi vì với đơn giá tối đa 681 nghìn đồng/m2/năm, công ty chỉ bù đắp được 80% tiền thuê đất, còn 20% công ty phải bù thêm.
Tuy vậy, ngày 11/10/2023, Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài chính, Sở Công Thương TP cho biết doanh nghiệp chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở Tài chính thẩm định là 393 nghìn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh).
“Nếu các quý cấp và UBND TP Đà Nẵng trong quá trình xem xét, quyết định thẩm duyệt ban hành đơn giá tối đa như trình bày nêu trên, áp dụng cho công ty chúng tôi mà không tiếp tục duy trì chủ trương đúng đắn góp phần vào nhiệm vụ an sinh xã hội như trước đây mà UBND TP đã áp dụng thì công ty chúng tôi sẽ không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động vì khả năng sẽ bị nợ quá hạn các khoản như BHXH, bị cưỡng chế thuế... và dự kiến tạm ngưng hoạt động kể từ ngày 1/12/2023”, công văn của Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng nêu.