Tiêu tiền thông minh theo phương pháp của người Nhật, vợ chồng tôi tiết kiệm được 40% chi tiêu
Phương pháp quản lý tài chính vô cùng nổi tiếng của người Nhật là Kakeibo. Thử áp dụng và chỉ trong vòng một năm, vợ chồng tôi đã tiết kiệm được 150 triệu đồng.
Trí nhớ bạn có thể mơ hồ, nhưng những cuốn sổ ghi chép thì không
Là người nội trợ, yêu thích văn hóa Nhật Bản tôi thường tìm đọc sách báo liên quan tới thói quen kỉ luật, quản lý tài chính của họ. Nhờ đó, tình cờ tôi cũng biết tới phương pháp quản lý tài chính đơn giản khi người Nhật luôn áp dụng việc ghi chép chi tiêu tất cả những gì cụ thể trong ngày, được phân loại rõ ràng. Họ gọi cuốn sổ ghi chép ấy là Kakeibo.
Được biết, phương pháp ghi chép Kakeibo là ý tưởng của nữ nhà báo đầu tiên tại Nhật Bản, bà Motoko Hani. Bà có niềm tin với sự ổn định tài chính sẽ quyết định hạnh phúc của gia đình và đã cho xuất bản trên tạp chí cuốn sổ chi tiêu đầu tiên thiết kế dành riêng cho các bà nội trợ, vào năm 1904. Kể từ đó, Kakeibo đã đồng hành cùng người dân Nhật trong hành trình xây dựng và duy trì lối sống cần kiệm mà chúng ta vẫn luôn ngưỡng mộ.
Nhận thấy được sự giá trị của phương pháp này, tôi đã âm thầm thử áp dụng trong việc chi tiêu của bản thân và gia đình. Và tới cuối năm, tổng kết số tiền tiết kiệm được, khá bất ngờ và ngạc nhiên khi tổng thu nhập của hai vợ chồng là 40 triệu, trừ tất cả chi phí sinh hoạt, chăm con, chi phí phát sinh khác chúng tôi đã tiết kiệm được gần 150 triệu đồng.
Sau 1 năm sử dụng, tôi nhận thấy cuốn sổ Kakeibo không đơn thuần chỉ là một sự liệt kê hàng ngày bạn những gì liên quan đến tài chính: thu, chi, nợ. Ẩn đằng sau nó cũng có những triết lý thú vị. Bởi lẽ, người Nhật có thể không đặt nhiều niềm tin vào trí nhớ của mình. Các hoạt động mua bán hàng ngày có thể diễn ra ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau. Việc bạn ghi chép lại các hoạt động và con số chi tiêu có thể khiến bạn mất thời gian nhưng lại kiểm soát nó hiệu quả. Vì đơn giản, người Nhật không bao giờ sử dụng thời gian của họ vào những việc kém hiệu quả.
Và người dân Nhật Bản cũng sẽ ghi lại các hoạt động tài chính của mình một cách có tổ chức để ý thức được thói quen chi tiêu của bản t hân. Dần dần trong quá trình ghi chép đó, bạn sẽ nhận ra mình đang chi tiêu như thế nào. Có phải bạn đang chi quá nhiều cho thói quen ăn uống, hay chưa có đủ tiền cho các hoạt động vui chơi giải trí. Từ đó bản thân có thể nhận ra các khoản chi thiếu hợp lý để cân đối và điều chỉnh nó cho việc hoàn thành mục tiêu tiết kiệm đã đề ra.
Sổ Kakeibo được dùng như thế nào?
1. Kakeibo tạo động lực cho người sử dụng lên kế hoạch chi tiêu cho chính mình từ những ngày đầu tiên của tháng. Trước hết, bạn cần ghi lại thu nhập cá nhân và những khoản chi tiêu cố định mà chắc chắn bạn phải thanh toán (tiền thuê nhà, tiền điện nước, Internet, …). Điều này sẽ giúp bạn biết được số tiền mình có thể tiêu trong tháng này sẽ ở mức như thế nào.
2. Xác định số tiền bạn muốn để dành trong tháng và cất riêng khoản này. Hãy cố gắng không động vào số tiền này khi chi tiêu trong những tuần tiếp theo.
3. Trong những trang tiếp theo của cuốn sổ, hãy ghi lại những chi tiêu của bạn theo bốn phân loại:
– Thiết yếu: Những chi tiêu dành cho thực phẩm, dược phẩm, di chuyển, con trẻ.
Những khoản chi tiêu thiết yếu này rõ ràng không thể loại trừ được. Mục tiêu ban đầu là vợ chồng tôi khoanh thành một khoản cố định, nhưng có những tình huống phát sinh như con ốm, thuốc men… thì rõ ràng mức tài chính bỏ ra sẽ phải cao hơn.
– Có thể lựa chọn: Những chi tiêu dành cho đi cafe, nhà hàng, mua đồ ăn sẵn, mua sắm, (thuốc lá).
Thực tế, thay vì ăn hàng như ngày còn son dỗi, vợ chồng tôi đã chuyển sang nấu nướng tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm kha khá chi tiêu. Những buổi cà phê cuối tuần, xem phim… chúng tôi vẫn cố gắng duy trì, vừa để gia tăng hương vị tình yêu, vừa để giải tỏa stress.
– Văn hóa tinh thần: sách, nhạc, các buổi biểu diễn, xem phim, tạp chí.
Vợ chồng tôi cùng có sở thích đọc sách, chính ra, cả hai tiêu tốn kha khá tiền đầu tư vào sách vở. Nhưng, đây là khoản đầu tư chúng tôi cảm thấy “hời” nhất. Thế giới quan được mở rộng thêm phong phú và đặc biệt có thể trò chuyện được nhiều với nhau hơn thông qua những cuốn sách cùng yêu thích.
– Ngoài dự kiến: Quà tặng, hiếu hỉ, sửa chữa.
Đối nội, đối ngoại đều phải chu toàn vì khoản chi tiêu này không thể bỏ qua. Chưa kể thi thoảng hỏng đường điện, hỏng ống nước, hỏng bếp… cũng cần khoản chi tiêu không nhỏ. Nhưng, về cơ bản vợ chồng tôi vẫn xoay sở ổn thỏa.
4. Xây dựng “cam kết” tài chính của tháng (Ví dụ: Giảm bớt lượng thuốc lá sử dụng trong tháng, tìm một cửa hàng cung cấp gas rẻ hơn,...).
5. Vào cuối mỗi tháng, hãy ngồi xuống và bình tĩnh xem xét trận chiến giữa “con lợn tiết kiệm” và “con sói chi tiêu” của bạn. Nghĩa là hãy so sánh số tiền ban đầu bạn định ra cho chi tiêu của tháng và những gì bạn đã thực sự chi. Sự chênh lệch này chính là số tiền bạn tiết kiệm thêm được cho tháng đó.
Tập trung vào Thực phẩm (hoạt động ăn uống)
Cuốn số Kakeibo của Nhật rất ưu tiên không gian dành cho những ghi chép về “Thực phẩm”. Bởi theo người dân Nhật Bản, đây là khoản chi có thể “gây lãng phí lớn nhất”, nhưng lại đồng thời thuận lợi nhất cho việc “cắt giảm chi phí”. Người Nhật thường có nhiều cách để ghi chép về tài chính trong lĩnh vực này.
Họ có thể ghi lại các mua bán theo phân loại thực phẩm. Ví dụ như: tinh bột, thịt cá, trứng sữa, rau xanh và hoa quả v.v. Cách thức này còn giúp bạn biết được mình có đang ăn uống một cách lành mạnh hay không.
Bên cạnh đó có một cách thức đơn giản hơn, đó là ghi chép theo loại hình: thức ăn thường nhật, đồ ăn vặt, ăn ở ngoài,...