Tiểu tiết và đại cục
Trong đời sống, có những thứ mới nhìn qua tưởng như nhỏ nhặt, không đáng kể, không đáng quan tâm, không ảnh hưởng đến ai, nhưng thực tế lại không phải vậy...
- Có những điều tồn tại bấy lâu nay như một lệ bất thành văn, tưởng như khó thay đổi vì người ta mang tâm lý “sợ bóng, sợ gió” và ngại đụng chạm. Nhưng rồi, khi những điều đó không xuất hiện trong đời sống, trong công việc hàng ngày, tự nhiên cấp trên cảm thấy thoải mái, cấp dưới thêm vui vẻ, cơ quan, đơn vị có thêm thời gian tập trung chăm lo việc dân, việc nước. Cậu có biết tớ đang đề cập đến những “tiểu tiết” gì trong đời sống chính trị khoảng một năm trở lại đây không?
Ông bạn vong niên lớn hơn tôi những hai con giáp mà nhiều người thường gọi vui là “ông đồ triết lý” bất chợt hỏi như vậy trong cuộc tao ngộ, khiến tôi không khỏi bất ngờ. Trong khi tôi nhíu mày đăm chiêu, ông cười rồi trả lời luôn:
- Tiểu tiết đó là, trong năm 2020, ngày khai mạc đại hội đảng các cấp không còn cảnh cả đoàn thiếu nhi tưng bừng “cờ đèn kèn trống” vào trong hội trường chúc mừng đại hội. Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc không tổ chức Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký trên bục danh dự như trước. Không còn việc tổ chức tặng hoa khi đón, tiễn các đồng chí lãnh đạo đi cơ sở và đến dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị, họp mặt tại ban, bộ, ngành, địa phương.
Tôi tỏ ý băn khoăn: “Tôi e rằng khi cắt bớt những việc nêu trên có thể làm giảm tính trang trọng của các sự kiện chính trị”.
Không đồng tình với ý kiến của tôi, “ông đồ triết lý” thể hiện sự am tường của một người từng trải. Ông bảo, từ trong truyền thống, người Việt vốn trọng lễ nghĩa, nghi thức, ưa thích sự chỉn chu bên ngoài. Cái hay của đặc điểm tâm lý này là dễ tạo thiện cảm ban đầu cho người tiếp xúc, giao lưu. Nhưng sự chu toàn thái quá dễ sinh ra hào nhoáng, rườm rà không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi nhịp sống thời văn minh trí tuệ khác xa so với xã hội nông nghiệp cổ truyền trước đây, thì sự đổi mới tổ chức nghi thức, lễ nghĩa là việc rất cần thiết, cần làm trong đời sống chính trị.
Việc bớt đi nghi thức chúc mừng của đội thiếu niên tiền phong trong dịp đại hội đảng các cấp không những tiết giảm được một nghi thức mang nặng tính hình thức, mà còn tiết kiệm thời gian cho học sinh để các em tập trung vào nhiệm vụ học tập. Việc không tổ chức Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký trong dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc không chỉ góp phần tạo ra không khí thân mật, ấm áp giữa cấp trên và cấp dưới, mà hơn thế ưu tiên vị trí trang trọng nhất dành để tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã có nhiều cống hiến, hy sinh, đóng góp cho đất nước, xã hội. Việc cắt bỏ nghi thức tặng hoa lãnh đạo cấp cao khi đến thăm, làm việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở là góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng.
Nói đến đây, “ông đồ triết lý” bày tỏ rằng, thay đổi một thói quen từng ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp ứng xử của cộng đồng là không dễ dàng. Mọi sự muốn thay đổi thành công phải bắt đầu làm chuyển biến từ những vấn đề nhỏ mà dễ gây rườm rà. Những việc làm như: Bỏ treo câu khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…”, không tổ chức đoàn xe đưa đón, trải thảm, tặng quà, tặng hoa lãnh đạo khi đến thăm, làm việc tại đơn vị, địa phương… chính là những biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Nhưng còn đó nhiều việc cũng nên suy ngẫm để đổi mới lề lối, tác phong làm việc tốt hơn, ví như, các cấp lãnh đạo đến thăm cơ quan, đơn vị cơ sở có nhất thiết phải ngồi cả tiếng đồng hồ trong hội trường, phòng họp để nghe văn bản báo cáo dài dòng của cấp dưới không? Cấp trên có nhất thiết phải cầm tờ văn bản đã được cấp dưới chuẩn bị sẵn để phát biểu chỉ đạo cấp cơ sở không? Cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện có nên đi những chiếc xe con bóng loáng xuống những địa bàn, cơ sở mà số đông người dân lao động còn phải đầu tắt mặt tối lam lũ, vất vả với cuộc sống mưu sinh không?...
Những vấn đề nêu ra của “ông đồ triết lý” cũng không ngoài mục đích như ông chia sẻ - đó là khi các cấp lãnh đạo chủ động, chú trọng thay đổi những tiểu tiết không cần thiết để vì đại cục tốt hơn, thì chắc chắn đó là chiều sâu của phong cách lãnh đạo trọng dân, thân dân, vì dân thật sự./.
Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/cung-suy-ngam/tieu-tiet-va-dai-cuc-132446