'TikTok bị cấm ở Mỹ vì hàng ngàn người dùng chơi khăm Tổng thống Donald Trump'
Đó là nhận định của John Shahidi - doanh nhân người Mỹ, nhà phát triển phần mềm, quản lý và sản xuất nội dung tài năng.
Hôm 6.7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok thuộc sở hữu của Công ty mẹ Bytedance. Ông so sánh TikTok với các công ty Trung Quốc khác như Huawei và ZTE bị Chính phủ Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mỹ lo sợ TikTok có thể được sử dụng để giám sát hoặc gây ảnh hưởng đến người dùng nước này. Cụ thể là ByteDance gửi dữ liệu người dùng ở Mỹ (ít nhất 165 triệu người) cho Chính phủ Trung Quốc.
Ấn Độ gọi đây là mối đe dọa với chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nên quyết định cấm TikTok cùng 58 ứng dụng Trung Quốc khác vào ngày 29.6 vừa qua.
TikTok là một trong những doanh nghiệp truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất hành tinh với 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng toàn cầu, một nửa trong số đó dưới 24 tuổi.
Lệnh cấm chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho đối thủ lớn nhất của TikTok là Facebook. Đây là thời điểm Facebook phải đối mặt sự chỉ trích vì không có hành động với nhiều bài viết gây tranh cãi từ Tổng thống Donald Trump.
Một số người suy đoán rằng cảnh báo của ông Mike Pompeo với TikTok mang động cơ chính trị.
Trong buổi phỏng vấn mới đây, John Shahidi cho rằng người dùng TikTok phải chịu trách nhiệm một phần nếu ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc bị cấm. Lý do vì hàng ngàn người dùng TikTok tìm cách giảm số người tham dự buổi vận động tranh cử của ông Donald Trump hôm 20.6 tại thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma, bằng cách đặt hàng ngàn vé trực tuyến rồi không đến. Tổng thống Mỹ rất tức giận vì bị chơi khăm.
Là người sở hữu công ty quản lý 9 kênh trên TikTok với tổng cộng hơn 100 triệu người theo dõi, John Shahidi không nghi ngờ hai chuyện này có liên quan đến nhau.
“Không có người ủng hộ Trump, không có tài khoản chính thức của Trump, không ai trong đội của ông ấy trên TikTok. Có phải đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà tôi nhắc tới và một ứng dụng không hỗ trợ ông ấy. Chúng tôi đang nói về việc hạ bệ TikTok?”, John Shahidi chia sẻ thêm.
Nguy cơ Mỹ cấm TikTok càng gia tăng khi Bộ Tư pháp đang điều tra quyền riêng tư trẻ em liên quan đến ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc.
TikTok đã hai lần bị buộc tội vi phạm luật bảo vệ trẻ em: Lần đầu là cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản mà không có sự đồng ý của phụ huynh; lần thứ hai là công khai dữ liệu như ảnh, tiểu sử và vị trí ngay cả khi tài khoản được đặt ở chế độ riêng tư.
Trong trường hợp đầu tiên, TikTok đã bị phạt. Ở lần thứ hai, TikTok đã đồng ý khắc phục các vấn đề riêng tư.
Dù vậy, Reuters báo cáo rằng hai cơ quan chính phủ Mỹ đang điều tra xem TikTok có tuân thủ yêu cầu khắc phục các vấn đề riêng tư không.
Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang xem xét các cáo buộc rằng TikTok đã không tuân thủ thỏa thuận năm 2019 nhằm bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Sau phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 6.7, TikTok tuyên bố sẽ rút khỏi Hồng Kông, nơi đang đối mặt với làn sóng kiểm soát chưa từng có từ chính quyền Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh mới. Động thái này như muốn chứng minh với phía Mỹ là TikTok không có liên hệ với Trung Quốc song có thể chưa đủ.
Dù thế nào, những nhân vật có ảnh hưởng trên TikTok đang tích cực quảng bá các kênh truyền thông xã hội khác của họ, như Facebook, Instagram và YouTube, đến người theo dõi kênh như kế hoạch phòng hờ nếu ứng dụng này bị cấm ở Mỹ.