TikTok bị cáo buộc thu thập thông tin người dùng: Chơi 'Tóp Tóp' sao cho an toàn?
Là một nền tảng sở hữu hơn 5 tỷ người dùng, TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm tại Mỹ vì bị phát hiện những 'lỗ hổng' trong bảo vệ thông tin người dùng. Vậy chúng mình lướt 'Tóp Tóp' thế nào cho an toàn?
Vì sao TikTok có thể bị “bay màu” tại Mỹ?
Ngày 23/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu TikTok phải bán tài sản ở Mỹ hoặc bị loại khỏi thị trường này. Điều này có nghĩa là Bytedance (công ty mẹ của TikTok) trong vòng 6 tháng phải bán TikTok cho một chủ sở hữu không thuộc Trung Quốc, nếu không nó sẽ bị xóa khỏi các kho ứng dụng của Apple và Google, hoặc không được cung cấp dịch vụ lưu trữ web hợp pháp tại Mỹ. Hạn chót để Bytedance thoái vốn là ngày 19/1/2025.
Nguồn cơn của hành động này chính là TikTok dính vào các cáo buộc về việc cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. Hiện tại, TikTok cũng đã bị hạn chế trên các thiết bị chính phủ tại một số nước như Anh, Úc, Canada... cũng như với các nhân viên tại Ủy ban châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bạn Diễm Quỳnh (lớp 12A4 trường THPT Nam Sài Gòn, TP.HCM) chia sẻ, trong trường hợp TikTok không đảm bảo việc bảo mật thông tin người dùng thì vẫn còn nhiều mạng xã hội khác để teen “di cư”.
“Mình sẽ chuyển đổi sang dùng nền tảng khác. Reels của Instagram đang phát triển với nhiều nội dung học thuật hay ho nên TikTok cũng không còn là nền tảng nhiều sự hấp dẫn với mình.” - Diễm Quỳnh chia sẻ.
Đâu là những cách TikTok có được thông tin của bạn?
TikTok nổi tiếng với việc đề xuất những video phù hợp với hành vi, sở thích riêng của từng người dùng (nội dung được cá nhân hóa). Đó chính là thuật toán về hành vi người dùng. Với thuật toán này, TikTok có thể hiểu được những sở thích thầm kín nhất của teen mà không cần họ phải nói ra.
Quỳnh Như (TP.HCM) chia sẻ: “Trước mỗi lần đi du lịch khoảng một tuần mình đều lên TikTok tìm các chỗ ăn uống vui chơi ở địa điểm mình sắp đến. Mình sẽ xem các video được TikTok đề xuất. Những quán được TikTok đề xuất thường hợp ý mình hơn rất nhiều các kết quả tìm kiếm”. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa rằng trí tuệ nhân tạo của TikTok sẽ thu thập rất nhiều thông tin của chúng ta để có thể gợi ý video phù hợp nhất.
“Nếu bạn để ý lúc đăng nhập thông tin, chính sách quyền riêng tư của TikTok yêu cầu truy cập rất nhiều thứ. Ví dụ như khi bạn sử dụng TikTok Shop, đây sẽ là những thông tin TikTok biết về bạn: Thông tin thẻ thanh toán, hóa đơn, địa chỉ giao hàng, thông tin liên hệ và các mặt hàng bạn đã mua. Tuy nhiên chúng mình rất ít khi đọc chúng vì quá dài dòng, đôi lúc còn khó hiểu.” - Minh Khuê (TP.HCM) lưu ý.
Các filter khi chụp hình, quay video sử dụng AI của TikTok cũng sẽ có được hình ảnh gương mặt thật của bạn. Với sự phát triển của các công cụ ghép ảnh bây giờ, việc lộ thông tin, hình ảnh nhận diện cũng trở nên rất nguy hiểm. Bạn An Bình (lớp 11A3 trường THPT Nam Sài Gòn, TP.HCM) chia sẻ: “Nếu bị rò rỉ, hình ảnh khuôn mặt có thể bị kẻ xấu cắt ghép vào những hình ảnh, video nhằm lừa đảo; các nội dung xấu độc...”.
Khi công nghệ deep web được ra đời, không ít các ca sĩ, nghệ sĩ Hàn Quốc đã bị ghép mặt vào những video nhạy cảm. Các tính năng AI quét gương mặt vì thế cũng nên được cân nhắc hạn chế sử dụng.
Có trách nhiệm với những cú click của mình
Để tránh vô tình cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ xấu, bạn Minh Khuê cho rằng: “Không nên đăng nhập tài khoản của bên thứ ba qua các đường link được bấm trong TikTok, dù đó có là trang chủ thật của nền tảng. Bởi vì TikTok có thể ghi nhớ rất nhiều thông tin”.
Đối với những yêu cầu cấp phép quyền truy cập, bạn hãy dành thời gian để đọc và tìm hiểu thật kỹ trước khi bấm đồng ý. Bạn Quỳnh Như cho biết: “Mình thường hạn chế tối đa quyền truy cập của các ứng dụng. Đặc biệt là hạn chế phần truy cập máy ảnh. Không bao giờ cấp quyền “truy cập luôn luôn” cho các ứng dụng, chỉ bật khi cần sử dụng và tắt ngay sau đó. Về cơ bản camera rất dễ bị hack khi chúng ta kết nối vào mạng Internet. Mình cũng hạn chế đăng ảnh rõ mặt lên mạng xã hội”.
Giữ riêng tư những thông tin cá nhân cũng là cách các bạn bảo vệ bản thân. Không cung cấp quá chính xác và rộng rãi các thông tin của mình cho các ứng dụng. Bạn Như Ý (TP.HCM) chia sẻ: “Mình thường dùng các nền tảng mạng xã hội dưới dạng guest (khách) vì người dùng không cần phải đăng ký và để lại thông tin gì cả. Hoặc nếu cần đăng ký, mình thường đặt tên bằng nickname thay vì tên thật, sử dụng hình ảnh không phải chân dung của mình như meme”.
Điều quan trọng nhất để teen có thể bảo vệ mình khi sử dụng các mạng xã hội là ý thức về việc cung cấp các thông tin các nhân, chọn tiếp cận những nội dung lành mạnh, phù hợp với bản thân. Luôn luôn tìm hiểu kỹ mọi thứ trước click vào những thỏa thuận/ đường link nhé!