TikTok kiện Mỹ: Lập luận pháp lý ra sao, khả năng thắng đến đâu?

Các chuyên gia pháp lý phân tích đơn TikTok kiện Mỹ và dự đoán khả năng giành chiến thắng của công ty này trước chính phủ Mỹ.

Ngày 7-5, nền tảng mạng xã hội TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ liên quan luật buộc công ty mẹ của TikTok là ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Luật này được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào ngày 24-4 vừa qua.

Trong đơn kiện gửi tới tòa phúc thẩm quận Columbia (thủ đô Washington, D.C, Mỹ), phía TikTok đã yêu cầu tòa ban hành lệnh ngăn chính phủ Mỹ thực thi luật này, vì cho rằng luật mới là “vi hiến” dựa trên Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ và các căn cứ khác.

Dưới đây là phân tích của các chuyên gia về những lập luận pháp lý mà TikTok đưa ra và khả năng giành chiến thắng của những lập luận này.

 Trụ sở của TikTok tại TP Culver, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP

Trụ sở của TikTok tại TP Culver, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP

Quyền tự do ngôn luận của TikTok

Trong đơn kiện ngày 7-5, TikTok cho rằng chính phủ Mỹ đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của công ty theo Tu chính án thứ nhất.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây không phải là nền tảng pháp lý vững chắc cho TikTok.

“Nhìn chung, các công ty nước ngoài không có quyền hiến định” - trang Yahoo Finance dẫn nhận định của ông Jamil Jaffer, Giám đốc Trường Luật Antonin Scalia tại Viện An ninh Quốc gia thuộc ĐH George Mason (Mỹ).

Một vấn đề khác của Tu chính án thứ nhất là TikTok cũng như ByteDance phải chứng minh rằng nội dung xuất hiện trên nền tảng là “ngôn luận” của chính công ty và nó đang bị đe dọa.

TikTok cũng phải chứng minh rằng luật mới của Mỹ tác động quan điểm mà TikTok thể hiện chứ không phải nhằm kiểm soát an ninh quốc gia hay bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Phía TikTok đã lập luận rằng công ty không nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. “ByteDance không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Đây là một công ty tư nhân” - ông Châu Thụ Tư, Giám đốc điều hành TikTok nói trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3.

Tuy nhiên, trong đơn kiện vừa qua, TikTok lại khiến nhiều người nghi ngờ khi cho biết việc ByteDance bán hoặc thoái vốn khỏi TikTok sẽ cần có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.

Ông Gus Hurwitz - thành viên cấp cao tại Trường luật Carey, ĐH Pennsylvania (Mỹ) cho rằng chính phủ Mỹ có thể sử dụng vấn đề an ninh quốc gia như “con át chủ bài” chống lại TikTok. “Một khi các vấn đề an ninh quốc gia xuất hiện, mọi thứ sẽ khó đoán” - ông Hurwitz nói với hãng tin AP.

Dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng chính phủ Mỹ chưa chứng minh được những rủi ro an ninh quốc gia do TikTok gây ra.

“Cá nhân tôi tin rằng những gì TikTok làm không khác biệt nhiều so với các công ty khác có trụ sở tại Mỹ. Câu hỏi là tại sao lại cấm TikTok mà không phải là các công ty khác như Google hay Amazon?” - theo bà Elettra Bietti, PSG Luật và Khoa học máy tính tại ĐH Northeastern (Mỹ).

Luật sư Wilson Freeman tại tổ chức tư vấn pháp lý Pacific Legal Foundation (Mỹ) cũng cho rằng đơn kiện của TikTok có thể thách thức chính phủ Mỹ.

“Tôi không ngạc nhiên khi TikTok tập trung vào Tu chính án thứ nhất vì đây có vẻ là căn cứ pháp lý mạnh mẽ nhất cho đến nay. Bạn không bao giờ có thể đoán trước được chuyện kiện tụng nhưng tôi sẽ không bất ngờ chút nào nếu TikTok giành chiến thắng nhờ tu chính án này” - theo ông Freeman.

Quyền tự do ngôn luận của người dùng

Bên cạnh quyền tự do ngôn luận của TikTok, công ty cũng cáo buộc luật mới của Mỹ vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng, cũng dựa theo Tu chính án thứ nhất.

Năm 2023, TikTok đã thành công trong vụ kiện với bang Montana (Mỹ) nhờ lập luận rằng bang này đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng khi cấm TikTok.

 Biểu tình bên ngoài quốc hội Mỹ, thủ đô Washington D.C, (Mỹ) phản đối dự luật cấm TikTok, hồi tháng 3. Ảnh: AP

Biểu tình bên ngoài quốc hội Mỹ, thủ đô Washington D.C, (Mỹ) phản đối dự luật cấm TikTok, hồi tháng 3. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo luật sư Brian Marks - giảng viên kinh tế cấp cao của ĐH New Haven (Mỹ), luật mới của Mỹ nhiều khả năng có thể được điều chỉnh để tránh số phận tương tự.

“Tôi không chắc chắn rằng lập luận của TikTok về Tu chính án thứ nhất sẽ nhất thiết giành chiến thắng trong trường hợp này bởi vì người dùng vẫn có quyền truy cập vào các nền tảng khác như Instagram, Facebook, Twitter [tức nền tảng X] để thực hiện quyền tự do ngôn luận” - ông Marks lập luận.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng Tu chính án thứ nhất đảm bảo quyền tự do ngôn luận chỉ ở các diễn đàn công cộng chứ không phải ở các diễn đàn riêng tư do các công ty tư nhân cung cấp.

“Sẽ là một sự mở rộng đáng kể của Tu chính án thứ nhất nếu nói rằng mọi người có quyền truy cập hoặc phát biểu trên một diễn đàn riêng tư, đặc biệt là diễn đàn do một công ty nước ngoài kiểm soát” - ông Marks nói thêm.

Các lập luận khác

Ngoài Tu chính án thứ nhất, trong đơn kiện của mình, TikTok cũng cho rằng Mỹ vi phạm Điều khoản về quyền lợi (Takings Clause) được quy định trong Tu chính án thứ năm của hiến pháp Mỹ và Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng (Equal Protection Clause) trong Tu chính án thứ 14.

Cụ thể, Điều khoản về quyền lợi quy định chính phủ Mỹ không thể tuyên bố quyền sở hữu đối với tài sản cá nhân nếu không bồi thường chính đáng.

Luật sư Freeman cho rằng chính phủ Mỹ không vi phạm điều khoản này. “Tôi không biết ở đây có việc tịch thu nào hay không. Chính phủ đơn giản chỉ cấm một ứng dụng cụ thể” - ông Freeman nói.

Về Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng, trong đó yêu cầu luật pháp của Mỹ phải được áp dụng bình đẳng đối với các công dân và thực thể tại Mỹ, Luật sư Brian Marks cho rằng chính phủ dễ dàng bác bỏ lập luận của TikTok dựa trên điều khoản này bằng cách viện dẫn lợi ích quốc gia.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiktok-kien-my-lap-luan-phap-ly-ra-sao-kha-nang-thang-den-dau-post789547.html