TikTok Shop, 'thiên đường' của hàng giả, hàng nhái
Mặc dù mới có mặt ở Việt Nam khoảng hơn 1 năm nay, nhưng TikTok Shop đã nhanh chóng vượt qua nhiều tên tuổi lớn mảng thương mại điện tử để giữ vị trí thứ 2 trên thị trường.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ ấy là nỗi lo về “thiên đường” hàng giả, nhái, kém chất lượng mới.
Bứt phá ngoạn mục
Sau thời gian thử nghiệm, tháng 4-2019, mạng xã hội (MXH) chia sẻ video ngắn TikTok đã chính thức ra mắt ở thị trường Việt Nam. Sự mới mẻ, hấp dẫn của MXH này đã thu hút lượng lớn người tham gia. Hiện Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng.
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường DataReportal, tính đến tháng 2-2023 có khoảng 77,93 triệu người dùng internet tại Việt Nam, tức có hơn 64% người dùng internet đang sử dụng TikTok. Cũng theo DataReportal, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng MXH nói chung, có nghĩa người dùng TikTok chiếm gần 71,3% trong số đó.
Không chỉ dừng lại với vai trò MXH chia sẻ video ngắn, tháng 4-2022, TikTok chính thức ra mắt giải pháp TMĐT TikTok Shop - một gian hàng được tích hợp trên nền tảng của TikTok. Khi người dùng xem video sẽ hiện trực tiếp link mua hàng trên đó, họ chỉ cần click là có thể mua hàng mà không cần thoát ra khỏi ứng dụng. Người mua sẽ tìm thấy đầy đủ thông tin chi tiết của sản phẩm như về giá, lượt đánh giá, lượt mua… tương tự các sàn TMĐT khác.
Thế nhưng, điều khác biệt của TikTok Shop so với các nền tảng TMĐT đang có mặt trên thị trường, là tốc độ bứt phá ngoạn mục. Chỉ sau hơn 1 năm xuất hiện nền tảng này đã vượt mặt 3 cái tên lớn là Sendo, Tiki, Lazada để giữ vị trí thứ 2 sau Shopee.
TikTok Shop đã và đang tạo ra những thay đổi đáng kể diện mạo của ngành TMĐT tại Việt Nam; đồng thời cũng là “thiên đường” của hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Cụ thể, theo báo cáo TMĐT nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu tính theo tổng giá trị của tất cả đơn hàng giao thành công toàn thị trường Việt Nam đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu quý I và quý II-2023 lần lượt ghi nhận 43.000 và 50.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, bảng xếp hạng thị phần doanh thu sau nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến sự thay đổi vị trí thứ 2 và 3 giữa Lazada và TikTok Shop.
Theo Metric, ở quý IV-2022, thời điểm TikTok Shop mới ra mắt được 4 tháng, đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada. Đến quý I-2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu. Nhưng đến quý II, TikTok Shop vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Shopee nhờ lấy đi thị phần từ các sàn TMĐT còn lại.
TikTok Shop đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng với 117 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Lazada đạt 15.700 tỷ đồng doanh thu với 117,5 triệu sản phẩm. Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả đơn hàng giao dịch thành công đạt 59.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra.
Điều gì đã khiến TikTok Shop trở thành đáng gờm như vậy. Đó chính là việc nền tảng này đã tạo ra thói quen mua sắm mới shopertainment (kết hợp mua sắm và giải trí). Tính giải trí trên TikTok được cho là lý do thúc đẩy các hoạt động khám phá sản phẩm. Thói quen khám phá sản phẩm thông qua truyền miệng kết hợp với tính cộng đồng, giải trí và thương mại, đang tạo ra hành trình liền mạch từ giai đoạn tìm hiểu về sản phẩm cho đến mua hàng.
Tràn lan hàng giả, nhái
Với không ít người tiêu dùng, TikTok Shop là “thiên đường” mua sắm khi có rất nhiều sản phẩm với nhiều giá tiền được đăng bán. Thế nhưng, đây cũng là “thiên đường” cho hàng giả, nhái, kém chất lượng. Các mặt hàng bị giả nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm… Như với sản phẩm túi xách, chỉ cần tìm kiếm cụm từ túi xách LV sẽ ra rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm này, với giá vài trăm ngàn thậm chí vài chục triệu đồng.
Tương tự, nếu tìm sản phẩm kem mắt Estee Lauder sẽ ra rất nhiều video giới thiệu, review đồng thời gắn link bán sản phẩm với đủ loại giá. Hay chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng cũng có thể sở hữu một chiếc đồng hồ thương hiệu Rolex, hoặc vài chục ngàn đồng là có chiếc kính Rayban thời thượng…
Ngoài việc công khai bán hàng giả, nhái, một số người bán chọn phương thức gọi lệch tên các thương hiệu lớn, hoặc che logo thương hiệu để không bị kiểm duyệt. Thí dụ, khi bán các dòng túi, dép giả thương hiệu nổi tiếng Hermes, người bán sẽ ghi chệch đi như dép, túi Hơ Mẹt, và đương nhiên mức giá của những món đồ này rất rẻ chỉ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng bán sản phẩm cấm trên nền tảng này, như đăng bán xịt thơm miệng song thực chất là bán thuốc lá điện tử…
Khi ra mắt, TikTok Shop từng tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu các sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Để bán hàng có thương hiệu, chủ shop cần cung cấp bằng chứng ủy quyền thương hiệu cho TikTok. Sản phẩm trước khi được người bán tạo và đăng tải phải qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt… Song thực tế cho thấy những quy định ấy chỉ nằm trên giấy.
Những sai phạm trên nền tảng TikTik Shop đã được các cơ quan chức năng nhìn ra. Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), 1 trong 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam là không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Với những sai phạm được chỉ ra, lần đầu tiên Bộ Thông tin - Truyền thông tiến hành kiểm tra toàn diện nền tảng xuyên biên giới này. Thực tế, những năm gần đây với sự phát triển mạnh của TMĐT, vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng mặc sức tung hoành, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để giải quyết.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng, với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy vậy, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với tình trạng vi phạm tràn lan trên các nền tảng TMĐT. Rất nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu đã bất lực nhìn sản phẩm của mình bị giả, nhái tràn lan. Tất nhiên, người tiêu dùng cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển của vấn nạn này.
Nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không, người bán hàng giả, nhái không thể tồn tại. Song vẫn còn rất nhiều người mua thích xài hàng hiệu giá rẻ nên hành trình chống hàng giả, nhái vẫn còn nhiều gian nan.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tiktok-shop-thien-duong-cua-hang-gia-hang-nhai-post106991.html