TikTok thành 'bài tẩy' của ông Trump?

Từ những ngày đầu trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã gây chú ý khi coi TikTok như một cơ hội thương lượng thay vì lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc hay các vấn đề an ninh quốc gia.

 TikTok đang trở thành con bài chiến lược trong cuộc đấu trí giữa ông Trump và Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

TikTok đang trở thành con bài chiến lược trong cuộc đấu trí giữa ông Trump và Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức ngày 20/1 là ký sắc lệnh hoãn thực thi lệnh cấm TikTok thêm 75 ngày.

Sắc lệnh này yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tạm dừng việc thực thi Đạo luật Ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, vốn đã được thông qua với sự đồng thuận cao tại quốc hội và được cựu Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tháng 4/2024.

Theo luật này, từ ngày 19/1, TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ nếu không được bán cho một nhà đầu tư từ Mỹ hoặc các đồng minh. Tuy nhiên, ông Trump đã thay đổi lập trường, cho biết sẽ chỉ ủng hộ việc bán 50% cổ phần của TikTok.

Hãng tin CNN cho rằng hiện tại, ông Trump coi TikTok không chỉ là một ứng dụng mà còn là tiềm năng để tạo ra các thỏa thuận kinh doanh lớn, chuyển hướng vấn đề lệnh cấm TikTok thành một cơ hội kinh tế lớn cho Mỹ và các đối tác công nghệ thân cận của ông.

Một thỏa thuận đang đến gần?

Một thành viên trong HĐQT công ty mẹ TikTok cho biết thỏa thuận cứu ứng dụng này khỏi nguy cơ biến mất tại Mỹ sẽ sớm được hoàn tất, theo CNN.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn ngày 21/1, Tổng thống Donald Trump chia sẻ: “Tôi có quyền thực hiện một thỏa thuận”, đồng thời tự tin khẳng định TikTok, nếu có sự hỗ trợ từ Mỹ, có thể đạt giá trị “1.000 tỷ USD”.

Đặc biệt, ông cũng gợi ý rằng Elon Musk hoặc Larry Ellison - hai người bạn thân thiết trong giới công nghệ của ông đồng thời lần lượt là chủ sở hữu của X và Oracle - có thể mua lại TikTok.

Ngoài ra, các nhóm nhà đầu tư do tỷ phú Frank McCourt và ngôi sao YouTube/TikTok Jimmy Donaldson (hay còn gọi là MrBeast) dẫn đầu cũng đã đưa ra các đề nghị mua lại TikTok với các khoản đầu tư chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, điều này không chỉ cần sự đồng ý từ ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Bắc Kinh, mà còn phải qua “cửa ải” phê duyệt của chính phủ Trung Quốc.

Bill Ford, CEO của General Atlantic và cũng là thành viên HĐQT của ByteDance, khẳng định tại một sự kiện do Axios tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 22/1 rằng: “Giữ cho TikTok hoạt động là điều có lợi cho tất cả các bên”.

Ông cho rằng sẽ cần một cuộc “đối thoại ba bên” với sự tham gia của chính phủ Trung Quốc, chính phủ Mỹ và ByteDance. Điều này trở nên khả thi hơn khi Trump đã ký sắc lệnh hoãn lệnh cấm TikTok tại Mỹ thêm 75 ngày.

 Cùng với một số sắc lệnh hành pháp khác, ông Trump ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok tại Mỹ thêm 75 ngày ngay trong ngày đầu nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Cùng với một số sắc lệnh hành pháp khác, ông Trump ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok tại Mỹ thêm 75 ngày ngay trong ngày đầu nhậm chức. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận ngay cuối tuần này về cách thức hợp tác phù hợp. Chính phủ Trung Quốc, chính phủ Mỹ, công ty và cả HĐQT đều cần tham gia vào cuộc đối thoại này”, ông Ford nhấn mạnh, đồng thời cho biết vẫn có thể có những giải pháp khác ngoài việc bán đứt TikTok. General Atlantic hiện là một trong những nhà đầu tư lớn của ByteDance.

Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng các đối tác công nghệ của TikTok tại Mỹ - những người chịu trách nhiệm giữ ứng dụng hoạt động - đang đối mặt với nguy cơ pháp lý lớn, bất chấp những tuyên bố của Tổng thống Trump.

Quân bài mặc cả

Nhiều chuyên gia dự đoán ByteDance có thể đồng ý với thương vụ này, bởi TikTok không chỉ đơn thuần là một ứng dụng, mà còn nằm trong chiến lược đàm phán lớn hơn của ông Trump với Trung Quốc - điều tương tự như các cuộc đe dọa áp thuế trước đây.

“TikTok giống như một quân bài quan trọng trong ván bài căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”, Dan Ives, Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities, nhận định với CNN.

Ông Ives cho rằng việc ông Trump nhắc đến Elon Musk và Larry Ellison là một “tín hiệu bật đèn xanh đầu tiên” cho thương vụ này, nhưng cũng cảnh báo rằng sẽ còn nhiều bước ngoặt và bất ngờ phía trước khi các đối tác tiềm năng khác tham gia cuộc chơi.

Hiện tại, dù TikTok vẫn có thể sử dụng với người dùng cũ tại Mỹ sau một khoảng thời gian bị ngắt kết nối, ứng dụng này vẫn chưa xuất hiện trở lại trên kho ứng dụng của Apple và Google vì những bất ổn pháp lý chưa được giải quyết.

 Ứng dụng TikTok với thông báo "Rất tiếc, TikTok hiện không khả dụng" trong ngày bắt đầu lệnh cấm tại Mỹ 19/1. Ảnh: Reuters.

Ứng dụng TikTok với thông báo "Rất tiếc, TikTok hiện không khả dụng" trong ngày bắt đầu lệnh cấm tại Mỹ 19/1. Ảnh: Reuters.

Trong 3 ngày liên tiếp, ông Trump đã chia sẻ nhiều ý tưởng khác nhau về việc tạo ra một cấu trúc “liên doanh” cho TikTok tại Mỹ, nhấn mạnh rằng chỉ với sự phê duyệt từ chính phủ Mỹ, ứng dụng này mới có giá trị.

Tuy nhiên, phía ByteDance dường như không mấy mặn mà với ý tưởng này, đặc biệt khi phải từ bỏ các thuật toán độc quyền - “vũ khí bí mật” giúp TikTok trở nên phổ biến toàn cầu.

“Tôi muốn Mỹ nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh”, Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, gợi ý rằng đây sẽ là một sự hợp tác giữa các cổ đông hiện tại và những nhà đầu tư mới.

Ông cũng gọi lệnh cấm TikTok là một quy trình phê duyệt của Mỹ, nhấn mạnh: “TikTok chẳng có giá trị gì nếu không được phê duyệt”.

Quan điểm này phản ánh sự thật rằng TikTok sở hữu lượng người dùng đông đảo tại Mỹ và các đối tác công nghệ của ứng dụng này đều là công ty Mỹ, khiến lệnh cấm tại đây có ảnh hưởng lan rộng trên khắp thế giới.

Thực tế, TikTok đang đối mặt với sức ép không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn cầu. Ứng dụng này từng bị cấm hoàn toàn tại Ấn Độ vào năm 2020 và đang đối mặt với các cuộc điều tra tại châu Âu về bảo mật dữ liệu. Tại Mỹ, các nghị sĩ từ cả hai đảng lo ngại rằng TikTok có thể bị lợi dụng để thu thập dữ liệu người dùng hoặc phát tán thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Dù vậy, trong phát biểu mới đây, ông Trump tiếp tục thể hiện quyền lực với TikTok, nói rằng: “Tôi có quyền bán hoặc đóng cửa TikTok, và chúng tôi sẽ quyết định điều đó”.

Ông cũng nói thêm: “Có lẽ chúng tôi cần Trung Quốc phê duyệt, nhưng tôi nghĩ họ sẽ đồng ý. Nếu không, đó sẽ là hành động không thân thiện.”

Những gì ông Trump nói có thể khiến Trung Quốc cũng cảm thấy Mỹ đang thực hiện “hành động không thân thiện”. Luật mới tại Mỹ yêu cầu ByteDance phải bán lại TikTok để không còn nằm dưới quyền kiểm soát của một “đối thủ nước ngoài” (Trung Quốc) hoặc ứng dụng sẽ bị cấm.

Ông Trump còn ví đạo luật này như một “giấy phép” mà nếu không có, TikTok sẽ không thể tồn tại tại Mỹ.

Ông cũng đề xuất một ý tưởng mới: “Hãy để ai đó mua TikTok, sau đó chia một nửa cho chính phủ Mỹ và chúng tôi sẽ cấp giấy phép”.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ Elon Musk mua lại TikTok không, ông Trump trả lời ngay lập tức: “Tôi sẽ ủng hộ”. Dù vậy, Elon Musk, chủ sở hữu mạng xã hội X (trước đây là Twitter), vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, dù khả năng tích hợp TikTok vào hệ sinh thái X là rất tiềm năng.

Những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc, rủi ro dữ liệu người dùng, hay những hệ lụy của TikTok đối với sức khỏe tâm lý - từng được ông Trump đề cập - giờ đây hầu như không còn được nhắc đến.

Thay vào đó, gần đây, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần cứu hàng triệu việc làm”. Đây cũng là luận điểm mà các lãnh đạo TikTok thường xuyên sử dụng, rằng ứng dụng này đang hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và nhà sáng tạo nội dung tại Mỹ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiktok-thanh-bai-tay-cua-ong-trump-post1527209.html