Mỹ muốn rút khỏi WHO, chuyện gì tiếp theo?
Chuyên gia cho rằng việc Mỹ muốn rút khỏi WHO là thách thức cho cơ quan này nhưng cũng là cơ hội để WHO đưa ra những cải cách.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gây ra sự thất vọng lớn trong lĩnh vực y tế công cộng.
Một số người đã gọi sắc lệnh của Tổng thống Trump về việc rút Mỹ khỏi WHO là “một sai lầm nghiêm trọng” và “tin tức tồi tệ”.
Câu hỏi đặt ra lúc này là chuyện gì tiếp theo sau khi Mỹ rút khỏi WHO?
WHO là gì và tại sao Mỹ muốn rút khỏi tổ chức này?
WHO là một cơ quan của Liên Hợp Quốc, nhằm mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ y tế toàn cầu, điều phối các phản ứng đối với các tình trạng khẩn cấp về y tế như đại dịch và tập trung vào việc cải thiện sức khỏe con người. Dù không có quyền thực thi chính sách y tế, WHO vẫn ảnh hưởng đáng kể đến chính sách y tế toàn cầu, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp.
WHO đóng vai trò thiết yếu trong việc điều phối giám sát, ứng phó và chính sách đối với các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Thực tế, các bệnh truyền nhiễm cần sự phối hợp toàn cầu cấp bách nhất. Khác với bệnh không truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm có thể nhanh chóng lan từ quốc gia này sang quốc gia khác, giống như COVID-19 đã lây lan thành đại dịch.
WHO có công lao to lớn trong xóa sổ bệnh đậu mùa – một thành tựu không thể đạt được nếu thiếu sự phối hợp và lãnh đạo toàn cầu. WHO cũng đóng vai trò hàng đầu trong việc kiểm soát bệnh bại liệt và HIV.
Những lý do mà ông Trump đưa ra để giải thích việc rút Mỹ khỏi WHO bao gồm: sự yếu kém của cơ quan này trong xử lý đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khác; thất bại trong việc thực hiện các cải cách cấp bách cần thiết; và không thể hiện được tính độc lập trước ảnh hưởng chính trị không phù hợp từ các quốc gia thành viên.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng chỉ ra khoản đóng góp tài chính không cân xứng mà Mỹ dành cho WHO so với Trung Quốc. Trong giai đoạn 2024-2025, Mỹ đóng góp 22% kinh phí, trong khi Trung Quốc chỉ khoảng 15%.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã khởi xướng việc rút khỏi WHO vào năm 2020 với những mối quan ngại tương tự. Tuy nhiên, quyết định này đã bị Tổng thống Joe Biden đảo ngược vào năm 2021.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Việc rút khỏi WHO có thể mất một năm để có hiệu lực và có thể cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Hiện chưa rõ quá trình này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có khả năng cao WHO sẽ mất nguồn tài trợ từ Mỹ, theo tờ The Conversation.
Việc Mỹ rút lui cũng có thể là đòn chí mạng cho Thỏa thuận Đại dịch của WHO, vốn đã bị đình trệ vào năm 2024 khi các quốc gia thành viên không đạt được sự đồng thuận về bản dự thảo cuối cùng.
Sắc lệnh của ông Trump tuyên bố tất cả các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận đại dịch sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, sắc lệnh cũng gợi ý rằng Mỹ sẽ tìm cách hợp tác với các đối tác quốc tế để đối phó với các vấn đề y tế toàn cầu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã có các đối tác quốc tế như vậy và có thể thực hiện được điều này. CDC hiện đã thiết lập một mạng lưới toàn cầu về đào tạo ứng phó với dịch bệnh, có thể trở thành mô hình để thực hiện mục tiêu trên. Nhưng để chuyển hướng theo cách này cần sự tinh chỉnh, vì chính phủ mới ở Mỹ còn đặt mục tiêu cắt giảm hoặc chấm dứt viện trợ quốc tế.
WHO cũng điều phối một loạt các ủy ban chuyên gia và mạng lưới các phòng thí nghiệm tham chiếu. Một trong những mạng lưới này là mạng lưới phòng thí nghiệm cúm, gồm hơn 50 phòng thí nghiệm tại 41 quốc gia thành viên, trong đó có 5 “siêu phòng thí nghiệm”, một trong số đó đặt tại CDC. Hiện chưa rõ số phận của các mạng lưới này, nhiều trong số đó có thành phần quan trọng từ Mỹ.
Với mối đe dọa cúm gia cầm có khả năng đột biến thành đại dịch ở người, những mạng lưới toàn cầu này rất quan trọng trong việc giám sát các nguy cơ đại dịch. Các ủy ban chuyên gia của WHO cũng định hình chính sách y tế toàn cầu trên nhiều lĩnh vực. WHO có thể cấp chứng nhận cho các phòng thí nghiệm ở các quốc gia không phải thành viên hoặc cho phép chuyên gia từ các quốc gia này tham gia ủy ban chuyên gia của WHO. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt với các phòng thí nghiệm hoặc chuyên gia do chính phủ Mỹ tài trợ vẫn chưa rõ ràng.
Một tác động tiềm tàng khác của việc Mỹ rút khỏi WHO là cơ hội để các quốc gia thành viên mạnh khác gia tăng ảnh hưởng khi Mỹ rời đi. Điều này có thể dẫn đến việc hạn chế các chuyên gia Mỹ tham gia các ủy ban của WHO hoặc làm việc với tổ chức theo các cách khác.
Mặc dù việc Mỹ rút lui sẽ khiến WHO mất nguồn tài trợ, các quốc gia thành viên chỉ đóng góp khoảng 20% ngân sách của WHO. Phần còn lại, chiếm 80%, đến từ các tổ chức khác (bao gồm các công ty tư nhân và tổ chức từ thiện). Vì vậy, việc Mỹ rút lui có thể gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức này.
Cơ hội để cải tổ WHO
Chính quyền ông Trump không phải là bên duy nhất chỉ trích cách WHO xử lý COVID-19 và các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm khác.
WHO cũng bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc tuyên bố đại dịch, khẳng định COVID-19 không lây qua không khí (dù có bằng chứng ngược lại). Việc điều tra nguồn gốc của COVID-19 cũng bị chỉ trích, bao gồm cả xung đột lợi ích trong đội ngũ điều tra.
WHO còn từng bị phê phán vì cách ứng phó với dịch Ebola ở Tây Phi một thập niên trước. Cuối cùng, điều này đã dẫn đến một loạt cải cách, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ.
Chuyên gia y tế công cộng, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng ĐH Brown (Mỹ) và từng là điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng - ông Ashish Jha cho rằng WHO cần được cải tổ.
Vị chuyên gia nhận định tổ chức này có sứ mệnh không rõ ràng, phạm vi công việc quá rộng, quản trị còn điểm yếu và thường ưu tiên những vấn đề nhạy cảm chính trị của các quốc gia thành viên.
Ông Jha đề xuất WHO nên thu hẹp trọng tâm vào một số ít lĩnh vực, trong đó ứng phó dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Điều này sẽ giúp sử dụng nguồn tài trợ bị cắt giảm một cách hiệu quả hơn.
Thay vì rút khỏi WHO, ông Jha lập luận rằng Mỹ nên tiếp tục là thành viên và tận dụng vị thế để thúc đẩy cải cách.
“Nếu không cải tổ, có khả năng các quốc gia khác cũng sẽ nối gót Mỹ, đặc biệt khi các chính phủ chịu áp lực từ cử tri để gia tăng chi tiêu cho nhu cầu trong nước” - theo ông Jha .
WHO đã kêu gọi Mỹ cân nhắc lại việc rút lui. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tổ chức này có thể cần phải thực hiện thêm các cải cách để mở ra cơ hội đàm phán trong tương lai. Đây chính là con đường tốt nhất để tìm ra giải pháp.
Nguồn PLO: https://plo.vn/my-muon-rut-khoi-who-chuyen-gi-tiep-theo-post831602.html