TikTok: Thời tàn đã đến?
Ngày 21/7, Cơ quan quản lý Viễn thông Pakistan (PTA) đã ra 'tối hậu thư' yêu cầu TikTok chấm dứt sự hiện diện tại nước này. Tuy nhiên, Pakistan không phải là quốc gia đầu tiên tỏ thái độ vô cùng cứng rắn với ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng này.
Mỹ: Loại bỏ và cấm cửa TikTok
Đúng như những gì đã “rào trước đón sau”, chính quyền Donald Trump đã đưa cuộc chiến chống lại ứng dụng chia sẻ video TikTok lên một cấp độ mới, khốc liệt, gay gắt hơn. Ngày 21/7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm sử dụng Tik Tok trên các thiết bị Chính phủ. Trước đó, hồi đầu tháng 7, chính quyền Tổng thống Trump đã công khai tuyên bố xem xét khả năng cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Thậm chí có lời đồn thổi rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc sử dụng “Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế” - đạo luật cho phép tổng thống Mỹ có các biện pháp trừng phạt các công ty của nước khác “trước các mối đe dọa bất thường” - để trừng phạt TikTok.
“Đối với những thực thể này, dù là Huawei hay TikTok, những thứ đang đe dọa tới quyền riêng tư và an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn”, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence lý giải với Fox News về thái độ “phũ phàng” với ứng dụng chia sẻ này. Còn Hạ nghị sỹ Ken Buk, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu của Hạ viện cũng lý giải sở dĩ Tik Tok bị coi là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia bởi nguy cơ mà những thông tin cá nhân người dùng ở Mỹ có thể bị thu thập thông qua ứng dụng này và có thể được sử dụng trong các vụ tấn công mạng chống lại nước Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien thì cảnh báo ngay trên sóng truyền hình: “Trung Quốc sẽ biết tất cả mọi thứ về bạn, họ sẽ có sinh trắc học của bạn. Vì thế, bạn phải rất cẩn thận cân nhắc ứng dụng nào an toàn khi cung cấp thông tin cá nhân”.
Tuy nhiên, chính trị đang được xem là yếu tố quan trọng khiến TikTok bị chối bỏ tại Mỹ bởi ai cũng biết ứng dụng đang có hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu này thuộc sở hữu của ByteDance (Beijing ByteDance Technology Co) - một Công ty Trung Quốc. Ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế của Nhà Trắng mới đây đã từng nói “huỵch toẹt” ra rằng muốn không bị “cấm cửa”, Tiktok chỉ còn nước tách khỏi Trung Quốc và trở thành công ty Mỹ. Bản thân ông Trump cũng từng tuyên bố không giấu giếm rằng, lệnh cấm Tik Tok sẽ là một cách để Mỹ trừng phạt Trung Quốc do những liên quan của quốc gia này đến đại dịch Covid-19.
Nhiều quốc gia… ruồng bỏ và lời thanh minh của “khổ chủ”
Nhưng điều đau đầu với mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất thế giới này là việc không chỉ Mỹ mà rất nhiều quốc gia cũng đang tỏ rõ ý định cấm cửa TikTok.
Trước Pakisstan, Ấn Độ - thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng - đã phát lệnh cấm TikTok cùng với 58 ứng dụng khác của Trung Quốc. Australia cũng tuyên bố xem xét cấm TikTok.
Chưa đến mức cấm cửa nhưng mới đây, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết đã phạt TikTok 186 triệu won (155.000 USD) do sai phạm trong xử lý thông tin người dùng.
Cũng giống chính quyền Mỹ, mối đe dọa với an ninh quốc gia và quyền riêng tư là hai lý do được phần đa các quốc gia đưa ra khi nói lời cấm cửa với TikTok.
Tuy nhiên, về phần mình, ứng dụng nổi tiếng này ra sức thanh minh và phủ nhận tất cả cáo buộc. Về chuyện đọc dữ liệu clipboard, TikTok cho biết đây là hệ quả của bộ lọc spam giúp phát hiện người dùng sao chép dữ liệu để bình luận nhiều video khác nhau bằng các tài khoản TikTok khác nhau. Hiện bản TikTok cập nhật mới nhất không còn tính năng này. Người đứng đầu TikTok ở Ấn Độ từng khẩn khoản chia sẻ với giới chức quốc gia Nam Á rằng họ tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và bảo mật theo luật Ấn Độ và không chia sẻ thông tin với bất cứ chính phủ nào, kể cả Bắc Kinh và rằng cam kết hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách Ấn Độ để giải quyết những quan ngại.
Trong 3 năm qua, TikTok phát triển bùng nổ. Phiên bản quốc tế của TikTok không chỉ nhắm vào người Trung Quốc sống ở nước ngoài, mà cả cư dân bản địa nhiều quốc gia. Từ năm 2019, TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo ra các clip ngắn, thường là có hiệu ứng và nhạc nền hấp dẫn, mang tính giải trí cao.
Còn yếu tố “liên quan tới Trung Quốc” như cách nói của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, ông Michael Beckerman - Phó Chủ tịch TikTok chia sẻ: “Hiện có rất nhiều thông tin sai lệch về TikTok. Trong khi đó TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách cộng đồng sống tại Mỹ”.
ByteDance - Công ty chủ quản của TikTok cũng phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc. Công ty này một mực “cải chính” rằng TikTok không có ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những phân bua, thanh minh này dường như không mấy hiệu quả. Nhiều nhà quan sát thì cả cười mà rằng chừng nào xung đột Mỹ - Trung còn “nóng” thì số phận của những ứng dụng có nguồn gốc “nhạy cảm” như TikTok còn để ngỏ, bởi những ứng dụng ấy thực chất chỉ là con cờ trên bàn cờ chính trị quốc tế mà thôi.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiktok-thoi-tan-da-den-post87553.html