TikTok và những cuộc 'xâm lấn': Lợi hại tích tắc

Sự phổ biến dẫn đến ảnh hưởng tâm lý từ các nền tảng mạng xã hội là điều dễ nhận thấy và khi người ta lướt TikTok quá nhiều, bất kể là trào lưu hay - dở, câu cửa miệng là nhiễm 'tóp tóp' (cách mà các bạn trẻ gọi TikTok trên mạng xã hội - PV). Từ TikTok đến tích tắc, lợi chưa thấy mà hại đã khôn lường.

Độ phủ sóng của TikTok gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Độ phủ sóng của TikTok gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khi “tóp tóp” chi phối

Nghe con gái nói chuyện qua điện thoại với bạn, liên tục gọi nhau “bà già cô đơn”, chị Hoàng Anh Thu (42 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) ngỡ ngàng, tìm hiểu trào lưu gì đang diễn ra trên mạng. Chị Thu kể: “Tôi lên mạng tìm hiểu thử và biết nó là trào lưu từ một clip của tài khoản N. trên TikTok, coi kỹ lại thì phản cảm chứ có hay ho gì mà hễ đông người chia sẻ, nhiều lượt xem là tụi nhỏ bắt chước. Bữa thì “bà già cô đơn”, bữa thì “nhà mình giàu mà”, có bữa nói cái gì, dặn cái gì nó cũng hỏi lại “để làm gì”, mình ngớ ra thì tụi nhỏ kêu ba mẹ lên TikTok mà coi”.

Về mặt trái của TikTok, chị Thùy Linh (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) thấm thía hơn ai hết. Một ngày, chị nhận thấy con gái 5 tuổi bắt đầu nói tục, thái độ lầm lì, thậm chí nổi giận, la hét với ba mẹ. Tìm hiểu kỹ, chị phát hiện mỗi khi mình làm việc nhà, con gái lấy điện thoại của mẹ và lướt những clip TikTok có nội dung xấu rồi bắt chước. “Tất nhiên, lỗi đầu tiên là ở mình vì cho con xem mà không kiểm soát. Nhưng tôi không thấy nền tảng này có bất cứ sự phân loại, cảnh báo nguy hiểm nào. Cuối cùng, tôi chọn cách xóa đi để bảo vệ con và cả chính mình”, chị Linh cho hay.

Với một bộ phận bạn trẻ, mọi sinh hoạt thường ngày đều xoay quanh “tóp tóp”, ăn nói cũng theo xu hướng đang hot của “tóp tóp”. Mua cái áo, đôi giày hay đi tới quán ăn, quán cà phê nào đó với lý do rất đơn giản: “Thấy nó hot trên tóp tóp mấy bữa nay”.

Thực tế, TikTok cũng có Bộ Tiêu chuẩn cộng đồng nhằm “thiết lập các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung, nhờ đó đem lại một không gian an toàn và luôn chào đón người dùng”. Bộ tiêu chuẩn này đưa ra khuyến cáo với các nội dung: sự an toàn của trẻ vị thành niên; hành động và thử thách nguy hiểm; tự tử, tự hại và rối loạn ăn uống; hình ảnh khỏa thân và hoạt động tình dục của người lớn; quấy rối và bắt nạt; hành vi thù địch... Tuy nhiên, ai cũng hiểu tiêu chuẩn là một chuyện. Việc gần như trao toàn quyền quyết định cho người dùng chính là điểm yếu chí mạng để những nội dung xấu, độc có cơ hội phát tán không có điểm dừng.

Kiếm tiền không khó

Anh MiMi, một người làm trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội, cho biết: “Không giống YouTube, các kênh TikTok tại Việt Nam hiện nay chưa được bật chức năng kiếm tiền. Hiện nay, thu nhập chính của những người làm TikTok đến từ việc bán hàng trên TikTok shop, nhận hợp đồng quảng cáo và tiếp thị liên kết. Riêng việc quảng cáo, mức giá được trả cho TikToker không thấp hơn so với YouTube hay Facebook”. Bởi vậy, mới có chuyện, các TikToker gắn tên các nhãn hàng ngay phần giới thiệu clip, hoặc “ra rả” về sản phẩm quảng cáo trong phần live của mình.

Đối với hình thức tiếp thị liên kết, có thể hiểu khách hàng có nhu cầu đặt sản phẩm sẽ truy cập vào đường dẫn gắn trên các video TikTok, từ đó được chuyển đến đích là các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada). Sàn sẽ chia hoa hồng cho mỗi đơn hàng được người dùng mua.

Chị Dương Bảo Thủy, một TikToker còn tiết lộ, người làm TikTok còn có thể kiếm tiền thông qua việc live trên nền tảng này và nhận quà, nhận donate (quyên góp). Cụ thể, trên TikTok, người dùng có thể mua xu (một loại tiền ảo) bằng tiền thật sau đó “quyên góp”, tặng quà cho người livestream họ yêu thích. Số tiền hay các món quà có nhiều giá trị khác nhau. Từ loại tiền xu này, TikToker có thể quy đổi ngược thành tiền mặt. Tất nhiên, để được nhận donate hay quà tặng, kênh cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Tiền để mua xu có nhiều mệnh giá: 5 xu = 2.000 đồng, 70 xu = 26.600 đồng, 1.400 xu = 532.000 đồng... Các loại quà tặng mệnh giá rất phong phú từ 1 xu đến hàng ngàn xu...

Anh MiMi phân tích, so với các mạng xã hội khác, để thu hút tăng lượt xem trên TikTok không quá khó khăn bởi nền tảng này chia thành nhiều chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có tệp khách hàng riêng. Chị Bảo Thủy so sánh việc kiếm view (lượt xem) giữa YouTube và TikTok khá khác nhau. Một người mới chơi TikTok cũng có thể có những video thu hút hàng chục ngàn người xem, thậm chí lên đến hàng triệu trong khi với YouTube điều này không đơn giản. Đặc biệt nếu những video “cắn” đề xuất hay lọt top thịnh hành (trending) sẽ càng thu hút nhiều người. “Tôi nghĩ TikTok đang đánh trúng tâm lý thỏa mãn ước mơ được quan tâm, chú ý”, chị Bảo Thủy nhấn mạnh. Đó là lý do hiện nay, TikTok trở thành mạng xã hội thu hút đa dạng đối tượng người dùng, từ anh nông dân, bác xe ôm, chị lao công, sinh viên đến luật sư, bác sĩ, doanh nhân... Mạng xã hội này trở thành xã hội thu nhỏ, nơi bất kỳ ai cũng được trao cơ hội để “tung hoành”.

So với việc chia sẻ doanh thu dựa trên lượt xem của YouTube, tại Việt Nam, TikTok đang để chính người dùng tự làm giàu cho nhau, hoặc phải tìm mọi cách để có nguồn thu. Điều này dẫn đến, muốn được thu hút lượt xem và hưởng lợi, người dùng bất chấp mọi chiêu trò để câu view.

HẢI DUY - THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiktok-va-nhung-cuoc-xam-lan-loi-hai-tich-tac-post685182.html