Tiktok với cuộc đua đầy cạnh tranh vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á
Tiktok, ứng dụng video ngắn lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Đông Nam Á, khuấy động một đợt cạnh tranh mới ở thị trường đang phát triển nhanh chóng này.
Sẽ đầu tư “hàng tỷ USD” vào Đông Nam Á
Tại một diễn đàn gần đây ở Jakarta, Giám đốc điều hành Chew Shou Zi của Tiktok tuyên bố công ty sẽ đầu tư “hàng tỷ USD” vào Indonesia và các nước còn lại của Đông Nam Á trong vài năm tới.
Ông cho biết TikTok - nền tảng video ngắn toàn cầu được hỗ trợ bởi ByteDance của Trung Quốc, sẽ rót 12,2 triệu USD trong 3 năm tới để hỗ trợ hơn 120.000 doanh nghiệp nhỏ trong khu vực.
Đông Nam Á, khu vực có 682 triệu dân và tổng GDP đạt gần 4.000 tỷ USD, dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo cho các doanh nghiệp thương mại điện tử nhờ dân số ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Khu vực này đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo Frost & Sullivan, GDP danh nghĩa của Đông Nam Á đã tăng từ 2.960 tỷ USD năm 2018 lên 3.530 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,5%. Nền kinh tế này được dự đoán sẽ đạt 5.190 tỷ USD vào năm 2027.
Đặc biệt, điều khiến cho khu vực trở nên “hứa hẹn hơn” là lực lượng dân số trẻ đang tăng nhanh, với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Với nhiều tiềm năng mà khu vực này nắm giữ, việc kiếm tiền từ thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với TikTok khi phải chống chọi với các đối thủ khác được hỗ trợ bởi Tencent và Alibaba - những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. Khu vực này cũng chứa đựng những phức tạp về quy định, xã hội và văn hóa. Theo đó, TikTok sẽ phải điều hướng các rủi ro chính trị và bảo mật dữ liệu, đồng thời nâng cấp khả năng kho bãi, hậu cần và thanh toán kỹ thuật số.
Phát triển nhanh chóng
Theo một báo cáo chung của Google, Temasek Holdings và Bain & Co, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) ở Đông Nam Á đã tăng từ 10,9 tỷ USD năm 2017 lên 131 tỷ USD vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 64%. Đến năm 2025, GMV khu vực dự kiến sẽ đạt 211 tỷ USD.
TikTok hiện có hơn 325 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Đông Nam Á, chiếm gần 50% dân số của khu vực. TikTok Shop, sàn thương mại điện tử của TikTok, đã đạt GMV gần 9 tỷ USD ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2023.
TikTok Shop gia nhập thị trường Indonesia vào tháng 2/2021, mở rộng sang Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines vào tháng 4/2022 và vào Singapore 2 tháng sau đó. Trong thời gian đó, TikTok Shop tung ra các chương trình khuyến mãi lớn và trợ cấp hào phóng để thu hút người dùng mới.
“Đông Nam Á là thị trường mới nổi lớn nhất của TikTok bên ngoài Mỹ… Công ty nhắm đến việc giành được 35% thị trường thương mại điện tử”, một nhà đầu tư vào ByteDance cho biết. Người này nói thêm rằng thị trường Đông Nam Á đặc biệt quan trọng đối với TikTok do ở Mỹ, nó phải đối mặt với những rủi ro pháp lý.
Kể từ năm 2022, hơn 80% GMV thương mại điện tử của TikTok đến từ Đông Nam Á. Theo ông Chew, số lượng nhân viên trong khu vực đã tăng từ hơn 100 người lên gần 8.000 người trong vòng 6 năm.
Công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works ước tính rằng GMV của TikTok Shop là 4,4 tỷ USD trong năm 2022, và đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD vào năm 2023.
Sự trỗi dậy của TikTok ở Đông Nam Á có thể là mối đe dọa đối với Tencent và Alibaba, những công ty đã phát triển thị trường trong nhiều năm. Năm 2010, Tencent trở thành cổ đông lớn nhất của công ty internet Đông Nam Á Sea với 18,4% cổ phần. Sea đã ra mắt nền tảng thương mại điện tử Shopee vào năm 2015, đây là sàn thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực với GMV năm 2022 là 47,9 tỷ USD.
Trong khi đó, Alibaba đang hỗ trợ Lazada, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á, có GMV là 20,1 tỷ USD vào năm 2022. “Ông lớn” thứ 3 là Tokopedia của Indonesia, đã hợp nhất với công ty gọi xe và giao đồ ăn Gojek vào tháng 5/2021 để thành lập GoTo. Alibaba sở hữu 8% GoTo, trở thành cổ đông bên ngoài lớn nhất.
Thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử của Đông Nam Á chính là mối quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ hơn của khu vực này với Trung Quốc, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp cắt giảm thuế quan được ký kết vào tháng 1/2022 giữa Trung Quốc và ASEAN.
Theo thống kê hải quan của Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang các thành viên ASEAN trong năm 2022 tăng 21,7% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng xuất khẩu chung của nước này là 3,7%.
Nhưng không phải gã khổng lồ Internet Trung Quốc nào cũng được hưởng lợi. Hồi tháng 1, JD.com đã đóng cửa các trang web mua sắm trực tuyến tại Indonesia và Thái Lan như một phần của cuộc cải tổ chiến lược kinh doanh trong thị trường cạnh tranh cao.
Nguồn tin từ Lazada cho biết sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và điều kiện địa lý của Đông Nam Á đã đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty thương mại điện tử đang hoạt động tại khu vực này.
Tranh giành thị phần
Khi TikTok gia nhập thị trường, những gã khổng lồ thương mại điện tử Đông Nam Á Shopee, Lazada và Tokopedia đã vượt qua giai đoạn mở rộng và chuyển đổi. Kể từ năm 2022, những tên tuổi này đã thu hẹp chiến lược bằng cách cắt giảm chi phí và tập trung vào lợi nhuận.
Năm 2019, Shopee đã vượt qua Lazada về GMV và lượng đơn hàng để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực. Đến năm 2022, Shopee chiếm 47,9% thị phần ở Đông Nam Á.
Một chuyên gia trong ngành thương mại điện tử Đông Nam Á cho rằng “tác động của TikTok Shop đối với Lazada sẽ đáng kể hơn” vì lợi thế của TikTok Shop về các sản phẩm làm đẹp và phong cách sống chồng lấn với thế mạnh của Lazada. Trong khi đó, ứng dụng video này khó có thể cạnh tranh với Shopee khi quy mô và thị phần của Shopee đã lớn hơn rất nhiều. Người này cho biết Shopee đã trải qua giai đoạn trợ giá khủng và đạt được lợi nhuận.
TikTok chủ yếu dựa vào chiến lược giá thấp và trợ giá ưu đãi để thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á, nhưng “một khi ngừng trợ giá, liệu người tiêu dùng có ở lại không?” vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều. Một nhà phân tích internet cho biết Shopee tập trung vào các sản phẩm giá rẻ, điều này phù hợp hơn với chiến lược của TikTok và do đó có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đối thủ mới. Trong tương lai, Shopee, Lazada và TikTok có thể phân chia thị trường dựa trên phân khúc người tiêu dùng.
Nhà phân tích này nhận định rằng Singapore, Thái Lan và Malaysia, với GDP bình quân đầu người cao hơn, có thể bị Lazada chi phối nhiều hơn, trong khi Shopee sẽ cạnh tranh với TikTok tại các thị trường mới nổi như Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Một nguồn tin thân cận với Lazada cho biết, việc TikTok tham gia thị trường sẽ tạo ra một số áp lực, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến mảng hàng cao cấp, chất lượng cao của Lazada.
Nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn còn lâu mới bão hòa và còn nhiều tiềm năng. Theo báo cáo của Google-Temasek-Bain, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử ở Đông Nam Á (trừ Singapore) là dưới 5%. Ở Indonesia, tỷ lệ thâm nhập chỉ là 4,26%. Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập ở Trung Quốc là 24,9% và ở Anh là 19,3%.
Do đó, “giờ vẫn là thời điểm mà mọi người có thể cùng nhau làm cho chiếc bánh (thương mại điện tử) lớn hơn”, nhà sáng lập Qu. của ATM Capital cho biết.