TikToker lợi dụng người nghèo để câu view, làm nội dung bẩn
Các video giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thường thu hút lượng lớn lượt xem trên mạng. Đó là lý do nhiều TikToker cố tình lạm dụng điều này để tăng danh tiếng.
Ngày 25/11, TikToker Nờ Ô Nô (hay Tuấn Brice) bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt sau khi đăng tải clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó”.
Đoạn video này nằm trong series “Một ngày tử tế” của TikToker này, với nội dung tiếp cận người vô gia cư, có hoàn cảnh khó khăn và hỏi họ thích ăn món gì sẽ mua tặng. Cách dùng từ ngữ của người này bị đánh giá là khinh thường người khác.
Trong clip mới nhất, nam TikToker dùng nhiều câu như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Số khổ thì nó khổ vậy đó”...
Tới nay, đoạn clip đã đạt hơn 3,6 triệu lượt xem. Đáng nói, Nờ Ô Nô cũng sử dụng lời lẽ thiếu tôn trọng tương tự trong một số video cùng chủ đề trước đó. Dù đã xin lỗi, anh cũng chưa nhận được sự cảm thông từ cộng đồng mạng.
Thực tế, nhiều TikToker cũng từng bị tẩy chay vì cố tình làm content bẩn, lợi dụng hình ảnh nhóm có hoàn cảnh khó khăn để tạo danh tiếng. Tuy nhiên, trào lưu này vẫn tồn tại vì cơn “khát” view, bất chấp gây tác động tiêu cực đến nhân vật trong video.
Phô trương lòng tốt
Đầu năm 2022, Jack, chủ kênh TikTok @HelpOthers, đăng đoạn video tặng gà rán và nước ngọt có gas cho một người vô gia cư. Jack khẳng định chỉ muốn lan tỏa lòng tốt, cũng như khuyến khích cộng đồng hỗ trợ cá nhân nghèo khó.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng anh có chủ đích câu lượt xem. Điều này được thể hiện qua góc quay trực diện, cũng như không làm mờ hình ảnh của người đàn ông nọ. Đồng thời, cách Jack trao quà cũng bị xem là thiếu tinh tế, Mirror đưa tin.
“Tôi đã đề cập vấn đề đăng clip và nhận được sự đồng ý. Dường như các bạn đang quá nhạy cảm. Cứ như vậy, sẽ chẳng ai sẵn sàng làm người tốt nữa”, nam TikToker phân bua, đồng thời lặng lẽ xóa video đã đạt vài trăm nghìn lượt xem.
Tương tự, TikToker Rustam Raziev cũng thu hút sự chú ý trên Internet bằng hành động giúp đỡ nhóm có hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều clip, anh chủ động chi trả hóa đơn mua hàng cho nhiều đối tượng, đặc biệt là người có vẻ khắc khổ, thiếu thốn.
Dù vậy, không phải lúc nào nội dung này cũng được ủng hộ tuyệt đối. Với nhiều người, cách giúp đỡ của Raziev sẽ khiến nhân vật trở nên nghèo túng, bất kể họ có thực sự như vậy hay không.
Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Esa, người đã giấu tên đầy đủ để bảo vệ sự riêng tư của mình, khi anh đi mua sắm tại siêu thị ở Melbourne, Australia, theo ABC News.
Khi được thông báo hóa đơn 33 AUD đã được thanh toán, Esa nghĩ đó có thể là một loại khuyến mãi nào đó từ siêu thị. Song, anh bị shock sau khi xem đoạn clip Raziev đăng tải, với nhân vật chính là mình.
"Tôi không muốn nổi tiếng, tôi không muốn mọi người biết về tôi. Nhưng anh ta đã làm điều đó mà không có sự đồng ý của tôi. Gia đình, bạn bè liên tục gọi hỏi han, tin rằng tôi thực sự đói khổ. Chuyện này khiến tôi tuyệt vọng và xấu hổ”, Esa chia sẻ với thái độ thất vọng.
Esa cho biết anh muốn "những người đang tỏ vẻ giúp người khác chỉ vì lợi ích của chính họ" dừng lại, hoặc ít nhất là "hỏi ý kiến hoặc cho người được quay phim biết chuyện gì đang xảy ra".
Hậu quả nặng nề
Các video “random kind acts” (việc tốt ngẫu nhiên) luôn có sức hút đặc biệt trên TikTok. Chẳng hạn, sản phẩm của Raziev luôn thu về hàng triệu view, tạo ra danh tiếng “khủng” cho nam TikToker.
Song, vì hình ảnh rõ nét, cũng như zoom cận mặt đối tượng được hỗ trợ, nhiều người xem hoài nghi về tính xác thực của chúng. Đồng thời, họ cho đây là hành động xâm phạm sự riêng tư cá nhân.
Theo cây viết Ian Kumamoto từ tạp chí MIC, nhiều TikToker tranh thủ cơ hội lập quỹ, nhận quyên góp từ cộng đồng, chẳng hạn như trường hợp Jimmy Darts. Cụ thể, Darts thường đăng tải clip tặng tiền cho người vô gia cư, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ khán giả.
Sau thời gian tìm hiểu, Kumamoto nhận ra nam TikToker không có cơ chế minh bạch về khoản tiền kinh phí quyên góp. Bên cạnh đó, Darts dường như chỉ nhắm vào cá nhân đang tuyệt vọng với sự nghèo khó để thu hút lòng thương.
“Vô gia cư, đói khổ là những trải nghiệm tiêu cực, khiến cá nhân tổn thương sâu sắc. Nếu xem được video, nhân vật sẽ càng đau buồn hơn. Tác động chắc chắn nặng nề hơn trong trường hợp họ nhận ra đang bị trục lợi”, ông nói.
Còn theo Christoph Trappe, chuyên gia tiếp thị nội dung, những video tự ý ghi hình người khác sẽ gây ra nhiều rủi ro khi xuất hiện trên Internet. Ngoài ra, hậu quả để lại cho nhân vật trong clip rất khó lường. Vì vậy, các nhà sáng tạo nên cân nhắc trước khi ghi lại câu chuyện của người khác ở nơi công cộng, hoặc thậm chí là riêng tư.
“Một số người không thực sự cần được giúp đỡ. Bỗng dưng, họ được quan tâm vì sự nghèo khó do ai đó tạo ra. Có thể, họ sẽ bị chửi bới, chê giả tạo và cuộc sống sẽ đảo lộn hoàn toàn”, Trappe nói thêm.