Tiktoker Phạm Thoại có trách nhiệm gì khi rút 16 tỷ ủng hộ bé Bắp?
Tiktoker Phạm Thoại đang vướng tranh cãi về trách nghiệm sao kê số tiền hơn 16,7 tỷ đồng kêu gọi từ mạnh thường quân ủng hộ bé Bắp chữa bệnh.
Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng từ thiện
Những ngày qua, cộng đồng mạng vô cùng quan tâm tới hành trình chữa bệnh của bé Bắp (tên thật là Minh Hải, 4 tuổi) mắc bệnh ung thư máu và đang điều trị tại Singapore. Để có tiền chữa trị cho con, chị Lê Thị Thu Hòa - mẹ bé Bắp từng phải bán hàng online, livestream ngay tại hành lang bệnh viện. Câu chuyện này đã chạm đến trái tim nhiều người, một số cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ, giúp chị nhận được sự hỗ trợ lớn từ các mạnh thường quân.
Trong đó, theo tra cứu, tính đến chiều 23/2, tổng số tiền ủng hộ bé Bắp điều trị bệnh thông qua tài khoản thiện nguyện do Tiktoker Phạm Thoại đứng tên là hơn 16,7 tỷ đồng, số dư hiện tại còn hơn 50 triệu.
Hiện cộng đồng mạng đang tranh cãi gay gắt về việc Tiktoker Phạm Thoại có cần sao kê hơn 16,7 tỷ đồng quyên góp cho bé Bắp hay không?

Tiktoker Phạm Thoại (bên phải) và chị Lê Thị Thu Hòa (mẹ bé Bắp) gây chú ý dư luận với những phát ngôn bất ngờ về sao kê tiền ủng hộ hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của bé Bắp.
Trách nhiệm minh bạch sao kê, quản lý tiền từ thiện?
Liên quan đến sự việc, trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Phạm Ba Đô - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm, quyên góp từ thiện là một hành động nhân đạo, giúp đỡ những người khó khăn, bất hạnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động cộng đồng. Trong những năm qua, các hoạt động quyên góp từ thiện tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự tham gia đông đảo từ các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, theo Luật sư Phạm Ba Đô, việc kêu gọi, tiếp nhận từ thiện cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể là phải tuân thủ quy định của bộ luật dân sự và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, giảm bớt những nghi ngờ, tiêu cực, những vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện.
Cụ thể, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này quy định: "Ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo".
Đối với trường hợp kêu gọi ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khoản 2 điều 23 của Nghị định 93/2021 quy định: "Cá nhân phải tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và công khai trên các phương tiện truyền thông".
"Trách nhiệm và sự minh bạch phải được đặt lên hàng đầu, dù kêu gọi từ thiện với mục đích gì, cá nhân đứng ra kêu gọi vẫn phải công khai, minh bạch số tiền nhận được", Luật sư Phạm Ba Đô nói và nhấn mạnh khi một cá nhân đứng ra kêu gọi ủng hộ, họ không chỉ nhận trách nhiệm với người được giúp đỡ mà còn phải có trách nhiệm với những người đóng góp.
Bên cạnh đó, Điều 5 của Nghị định 93 cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thật, chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hoặc lợi dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi.
Vì vậy, trong trường hợp này, vì kêu gọi quyên góp thông qua tài khoản ngân hàng của Phạm Thoại nên để tránh những hiểu lầm, cá nhân kêu gọi từ thiện có thể áp dụng một số nguyên tắc như công khai tài khoản nhận tiền ngay từ đầu, thường xuyên cập nhật số tiền nhận được và đã sử dụng.
"Việc lập danh sách chi tiết các khoản chi, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng để mọi người dễ dàng theo dõi cũng là điều cần thiết. Nếu số tiền quyên góp lớn, có thể nhờ đến sự kiểm toán từ bên thứ ba để đảm bảo tính minh bạch. Đối với những trường hợp không thể công khai chi tiết (ví dụ như lý do bảo mật thông tin người thụ hưởng), cần có lời giải thích hợp lý để tránh hiểu lầm", Luật sư Đô cho hay.

Phạm Thoại đáp trả khi bị mỉa mai chuyện ăn chặn tiền từ thiện. Ảnh chụp màn hình
Tương tự, về phía mẹ bé Bắp cũng cần có trách nhiệm minh bạch với những mạnh thường quân đã đóng góp để cứu giúp con mình.
Theo Luật sư Phạm Ba Đô, một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu trong hoạt động từ thiện là phải đáp ứng đúng nguyện vọng của mạnh thường quân. Tức người kêu gọi và nhận quyên góp từ thiện từ tiền của công chúng không được tự ý dùng số tiền từ thiện theo ý mình mà phải cam kết đúng mục đích ban đầu với mạnh thường quân.
Do đó, trong trường hợp này, mẹ bé Bắp cũng cần chứng minh rằng mình đang sử dụng số tiền mạnh thường quân ủng hộ đúng mục đích. Nếu không minh bạch sẽ dễ dẫn đến việc mất niềm tin của cộng đồng. Khi đó, không chỉ người kêu gọi gặp rắc rối mà những người thực sự cần giúp đỡ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Luật sư Phạm Ba Đô nhấn mạnh, Điều 23 của Nghị định 93 đã quy định rõ trách nhiệm của người kêu gọi từ thiện là phải công khai thông tin về số tiền đã nhận. Điều này đồng nghĩa với việc người ủng hộ có quyền biết số tiền họ đóng góp có được ghi nhận và sử dụng đúng mục đích hay không.
Nếu người ủng hộ nghi ngờ người kêu gọi có dấu hiệu gian dối, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tiền từ thiện, họ có quyền gửi đơn tố giác tội phạm lên cơ quan công an để yêu cầu xác minh, điều tra và xử lý.
Việc xác định có vi phạm hay không sẽ do cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh. Nếu có sai phạm, người kêu gọi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong trường hợp người nhận tiền từ thiện (người được hỗ trợ) có hành vi thông đồng, họ cũng có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm. Khi đó, người ủng hộ sẽ được xem là bị hại trong vụ án hình sự và có quyền yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự, bao gồm việc buộc người vi phạm hoàn trả toàn bộ hoặc một phần số tiền sau khi trừ đi các khoản chi hợp pháp.
Mặc dù những hình ảnh mới nhất cho thấy bé Bắp vẫn đang được điều trị, việc mẹ bé Bắp từ chối sao kê kèm phản ứng có phần thái quá khiến nhiều người bức xúc. Theo đó, đoạn clip được cắt từ một livestream diễn ra vào tháng 11/2024 cho thấy phản ứng của mẹ bé Bắp với yêu cầu sao kê từ cộng đồng mạng.
Khi có một tài khoản đặt câu hỏi về việc "phải sao kê ngân hàng sau khi Bắp khỏi bệnh", chị Hòa đã bật cười và trả lời: "Dạ, sao kê để làm gì ạ? Lấy giấy hả chị? Nhiều người vô tri thật sự luôn".
Tuy nhiên, điều khiến dư luận tranh cãi là phát ngôn tiếp theo của chị Hòa, khi chị khẳng định số tiền quyên góp xuất phát từ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân và không ai ép buộc mọi người phải chuyển khoản. Chị cũng nhấn mạnh rằng, số tiền này chỉ được sử dụng để lo cho bé Bắp, còn những người yêu cầu sao kê phần lớn là những người "không quyên góp" hoặc "muốn bệnh như Bắp để nhân hỗ trợ mà không được".