Tìm bản sắc cho không gian văn hóa công cộng

Chức năng của không gian văn hóa công cộng rất quan trọng, nó tác động đến nếp sống văn hóa và nhân cách của con người

Bản sắc riêng về văn hóa, kiến trúc cho không gian công cộng TP HCM là điều mong mỏi lớn nhất tại cuộc tọa đàm "Không gian văn hóa công cộng tại TP HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy kết hợp với Hội Kiến trúc sư TP HCM tổ chức sáng 3-12.

Chia sẻ về lợi ích

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với gần 50 tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia văn hóa, kiến trúc sư, nhà chuyên môn… có chung khao khát sớm xây dựng nhiều không gian văn hóa công cộng cho TP HCM.

Hầu hết các tham luận đều hướng đến việc TP HCM cần vận dụng phương thức đổi mới trong quản lý, tư duy để sớm có một lộ trình và giải pháp đồng bộ cho việc kiến tạo không gian công cộng của TP. Trong đó nhấn mạnh thông điệp "kiến tạo không gian văn hóa cộng đồng phải tôn tạo được bản sắc riêng, xem đó là tài sản văn hóa và hệ sinh thái văn hóa bền vững của TP".

Các tham luận cũng chỉ rõ thực trạng TP HCM đang thiếu không gian văn hóa công cộng, qua đó cần có sự tham khảo, học tập từ các quốc gia tiên tiến để xây dựng không gian văn hóa công cộng. Các đại biểu tham dự đã chỉ ra không gian công cộng không chỉ là không gian dành cho du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi mà còn là không gian của kinh tế - văn hóa đặc trưng của đô thị.

Không gian công cộng cần được chia sẻ về lợi ích, có như vậy sự "xung đột" lợi ích của chính quyền và của cộng đồng trong không gian công cộng sẽ được giải quyết hài hòa.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, cho rằng: "Những không gian công cộng sẽ là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của TP, khi mà chính quyền có những giải pháp cho việc sử dụng chúng hướng đến lợi ích của cộng đồng một cách khoa học và nhân văn".

Buổi tọa đàm ““Không gian văn hóa công cộng tại TP HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp”, tổ chức sáng 3-12. (Ảnh: QUỐC THẮNG)

Buổi tọa đàm ““Không gian văn hóa công cộng tại TP HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp”, tổ chức sáng 3-12. (Ảnh: QUỐC THẮNG)

Nâng cao chất lượng cuộc sống

TS Lê Hồng Phước, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng việc xây dựng không gian văn hóa của các quốc gia tiên tiến không chỉ chú trọng đến kiến trúc mà còn là hồn cốt, bản sắc văn hóa riêng. "Đờn ca tài tử Nam Bộ chính là hồn cốt cần được quảng bá, kiến tạo cho di sản này có một không gian riêng. Vì đó chính là bản sắc văn hóa chỉ có ở vùng đất phương Nam" - TS Phước dẫn chứng.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng nhấn mạnh các mối quan hệ xã hội và các giá trị văn hóa được tích lũy, bồi đắp qua các thế hệ. Những giá trị đó dễ bị mất đi trong đời sống đô thị hiện đại nếu không có giải pháp, lộ trình xây dựng không gian văn hóa công cộng bền vững. Yếu tố này rất quan trọng khi tác động đến nếp sống và nhân cách của con người đô thị. Từ đó, xây dựng môi trường văn minh ở ngoài xã hội, bao gồm môi trường thực tế cộng đồng và cả môi trường ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần đặc biệt chú trọng việc sử dụng quỹ đất chuyển đổi, nhất là khâu cải tạo các công viên cũ nên ưu tiên cho cây xanh, mặt nước vì khi TP HCM có sông, kênh, rạch và không gian công cộng thì sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần cho người dân.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - cho biết sắp tới TP sẽ thiết lập không gian văn hóa tại tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền và khu vực hồ Con Rùa (quận 3). Tại đây sẽ khai thác nhiều hoạt động văn hóa, cụ thể tại hồ Con Rùa sẽ biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử vào tối thứ bảy, các chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi vào chủ nhật. Những ngày khác sẽ biểu diễn nhạc nước, múa rối nước, tổ chức triển lãm...

HOÀNG THUẬN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tim-ban-sac-cho-khong-gian-van-hoa-cong-cong-20201203213325063.htm