Tìm bảo mẫu

Giờ muốn thuê người giúp việc, nhất là bế trẻ con hoặc chăm người già nằm liệt giường khó lắm. Những người có kinh nghiệm, sạch sẽ, chu đáo thì 'đắt sô'.

Vừa thấy chị Minh dẫn người tới cửa, Thuân đã mừng như bắt được vàng. Nhìn người phụ nữ đi cùng chị Minh, Thuân phần nào yên tâm. Trông bà ấy còn khỏe mạnh, có vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Qua trò chuyện, biết bà Túy - người chị Minh dẫn tới là giáo viên về hưu, vừa đi bế cháu ngoại mấy năm từ trong Nam về, Thuân càng tin tưởng hơn. Sau một hồi trò chuyện, thỏa thuận, bà Túy đồng ý làm cho nhà Thuân từ đầu tháng tới. Mỗi tháng, Thuân trả bà Túy 5 triệu. Tiễn bà Túy về rồi, Thuân thở phào nhẹ nhõm nói với chị Minh:

- May quá, em cảm ơn chị! Không có chị tìm người giúp chắc em phát điên mất. Chỉ còn hai tháng nữa em phải đi làm rồi mà mãi không tìm được người, sốt hết cả ruột.

- Em gặp may đấy. Cô ấy vừa từ trong Nam về, lại có lương hưu nên cũng lưỡng lự chẳng muốn đi làm đâu. Trước khi chị đưa cô ấy tới đây, cô ấy cứ hỏi dò mãi, bảo phải là nhà trí thức tử tế mới giúp chứ là nhà chợ búa, buôn bán thì không làm.

- Vâng, em cũng chỉ mong cô ấy bế giúp bé Bin, còn việc nhà em sẽ tự sắp xếp. Em nghĩ phải coi bảo mẫu như người nhà thì người ta mới tốt với con mình.

- Em nghĩ thế là đúng. Giờ muốn thuê người giúp việc, nhất là bế trẻ con hoặc chăm người già nằm liệt giường khó lắm. Những người có kinh nghiệm, sạch sẽ, chu đáo thì "đắt sô", hết việc ở nhà này họ lại được giới thiệu sang nhà khác ngay. Khi tìm người giúp việc, mọi người thường nhờ người quen giới thiệu giúp. Những người đã được chủ nhà cũ tín nhiệm đều là những người nhanh nhẹn, chăm chỉ, thật thà, chu đáo, sạch sẽ, giao việc nhà hoặc chăm sóc người thân vào tay họ chủ nhà mới yên tâm được.

- Đúng vậy chị ạ. Em sợ nhất là cảnh thuê phải người không thạo việc, chậm chạp hoặc tính tình nóng nảy, không thật thà. Phải những người như thế lại phải đổi người mới, mất công lắm.

Ngày trước, lúc Thuân sinh đứa lớn cũng phải thay 2 bảo mẫu mới tìm được người ưng ý. Người đầu tiên thì thật thà, chất phác nhưng lại không có kinh nghiệm bế trẻ con. Mỗi lần bé khóc, bà ấy cứ luống ca luống cuống, dỗ còn không xong chứ chưa nói đến những lúc phải pha sữa, thay bỉm… Người thứ hai thì chỉ làm được hai tuần. Lần ấy, đang dở tay trong bếp, thấy con khóc toáng, Thuân chạy vội ra thì thấy mông con hơi đỏ lên. Thuân xót con phát khóc. Cô nghĩ mà sợ, giờ còn chưa phải đi làm, vẫn đang ở nhà mà bà bảo mẫu đã đánh con thì không biết khi cả hai vợ chồng cô vắng nhà bà ta sẽ đối xử với con ra sao. Nhớ tới chuyện các chị ở cùng cơ quan kể Thuân càng sợ. Có nhà, người giúp việc chuyên nhéo vào chỗ kín của bé, bố mẹ thì tin tưởng vào người giúp việc nên không kiểm tra thường xuyên. Có nhà, để dỗ bé, bảo mẫu toàn cho xem ti vi, hết chương trình này tới chương trình khác, cũng chẳng dạy trẻ nói. Đến khi đứa bé 2-3 tuổi mới phát hiện cháu bị tự kỷ… Thế nên ngay hôm ấy, Thuân đã thanh toán tiền và chấm dứt hợp đồng với bà ta ngay. Phải đến người thứ ba Thuân mới ưng ý. Bà bảo mẫu này vừa khéo, vừa thật thà. Ngày nào bà bảo mẫu cũng dậy sớm, tranh thủ quét tước sân nhà, lau dọn sạch sẽ. Khi Thuân đi chợ về, bà hoặc bế bé để Thuân chuẩn bị sẵn thực phẩm cho bữa trưa, bữa tối, sắp vào tủ lạnh, đến bữa chỉ việc lấy ra chế biến. Còn nếu Thuân chăm bé thì bà tranh thủ làm việc nhà. Hai bà con phối hợp nhịp nhàng, nhà cửa lúc nào cũng sạch bóng, cơm nước đâu vào đấy. Bà lại vui tính, vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ, kể cả khi chỉ có mỗi cu Bi. Vì thế, chỉ 18 tháng thằng bé đã bi bô gọi bà, gọi mẹ. Lần này sinh cu Bin, Thuân đã gọi điện trước nhờ nhưng tiếc là bà ấy lại đang phải bế cháu nội ở Hải Phòng nên không giúp được.

Thuân chỉ hy vọng bà Túy cũng sẽ như bảo mẫu của cu Bi. Được như thế cô mới có thể chú tâm vào công việc.

HIẾU THUẬN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/tim-bao-mau-154057