Tìm cách để doanh nghiệp nhỏ lớn dần

Từ năm 1991 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 54 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, trong đó có hơn 90% DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Các DN được thành lập tại Đồng Nai đa số có tổng vốn đăng ký từ 8-10 tỷ đồng/DN; lĩnh vực hoạt động đa dạng, với nhiều ngành nghề như: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng, chế biến nông sản…

Thời gian qua, hoạt động của các DN gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, xảy ra dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều DN giải thể, tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Vấn đề đa số DN gặp phải là thiếu đơn hàng, thiếu vốn đầu tư nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, các DN nhỏ và vừa còn thiếu, yếu về quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin thị trường, quy định pháp luật mới ban hành. Điều này dẫn đến quá trình hoạt động gặp nhiều vướng mắc, không được xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc này “giữ chân” DN nên trải qua nhiều năm thành lập vẫn không lớn mạnh được.

Để khắc phục thực trạng trên, nhiều năm qua, các địa phương, hiệp hội đã có những giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cụ thể, thành lập các trung tâm hỗ trợ DN về pháp lý, tổ chức hội thảo, triển lãm, xúc tiến thương mại… Mục đích là để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo cơ hội cho DN gặp gỡ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, có những DN dần khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trên thị trường và từng bước vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, số DN vượt qua được khó khăn, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị phần trong nước và nước ngoài còn ít.

Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang tham gia hội nhập thế giới rất nhanh, đi kèm với đó là nhiều cơ hội, thách thức cho DN trong nước. Do đó, DN Việt muốn tồn tại, phát triển ổn định và lớn dần buộc phải kịp thời nắm bắt các quy định, chính sách mới của Nhà nước, thông tin về thị trường, nhất là những chính sách hỗ trợ DN để tiếp cận và thụ hưởng. Đồng thời, DN thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để phát triển xanh, bền vững. Trong cuộc đua giành thị trường, DN nào đi trước trong sản xuất xanh sẽ có nhiều cơ hội để trụ vững và phát triển.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/tim-cach-de-doanh-nghiep-nho-lon-dan-7c865b6/