Tìm cách đưa vốn vào nền kinh tế

Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 8 phục hồi trở lại. Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Doanh nghiệp còn khó tiếp cận

Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023, trong khi trước đó đến hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.

Với dư nợ đến tính cuối tháng 8/2024, còn khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải "bơm" vào nền kinh tế trong 4,5 tháng.

Với dư nợ đến tính cuối tháng 8/2024, còn khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải "bơm" vào nền kinh tế trong 4,5 tháng.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, trong 4,5 tháng cuối năm 2024 phải tìm cách đưa hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Có thể thấy, tín dụng đã có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu tháng 8, song các chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng vẫn chậm. Một vài ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức trên 15%, trong khi nhiều ngân hàng giải ngân nguồn vốn ở mức rất thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm.

Tín dụng đang tăng không đồng đều và nguyên nhân được chỉ ra, là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến cầu tín dụng. Quan trọng hơn nhu cầu tín dụng liên quan mức độ tự tin của các DN khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà DN nhận được, cùng nhiều yếu tố khác.

“Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thực sự chỉ mới giảm được ít và vẫn còn cao so với sức khỏe của các DN. Đó là chưa kể các ngân hàng cũng hạn chế cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng”- TS Nguyễn Đức Độ - Viện phó Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) phân tích.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa Nguyễn Đình Tuệ cho biết, khi khảo sát, DN thường trả lời "khát" vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận. "Lý do nhiều DN nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số có khó khăn về tài sản bảo đảm, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém. Để hỗ trợ DN, đề nghị các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp" - ông Tuệ đề xuất.

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng.

Kiến nghị giảm thêm lãi suất

Hiện các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính tới 22/6 là 7%. Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đạt 13,3%. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6 là 12,4%...

Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát thông tin, ACB đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu năm để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

"Trong thời gian 6 tháng cuối năm, mục tiêu của Agribank là tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10%. Đặc thù của Agribank là tính chất mùa vụ nên dư nợ tập trung vào 6 tháng cuối năm. Hiện nay, ngoài triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN như gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, gói cho vay lâm sản, thủy sản 30.000 tỷ đồng, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi đối với tất cả các thành phần từ các tập đoàn, tổng công ty, khách hàng lớn", - bà Phùng Thị Bình Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cùng có hiệu lực từ ngày 1/8, có thể giúp tâm lý thị trường tích cực hơn. Tất nhiên, muốn kích cầu tín dụng bất động sản, đặc biệt là cho vay mua nhà, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức hợp lý. (PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh)

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian còn lại của năm các tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời vẫn phải kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng. NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân…

Các chuyên gia khuyến nghị có thêm giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích phục hồi nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Viện phó Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy giảm lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là cần phải tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công thì mới có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nói chung. Đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa ở nhiều lĩnh vực liên quan và sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp nhiều DN tăng cường đầu ra. Từ đó DN mới có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm DN dù có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện thì phải xem xét cụ thể hơn. Ví dụ, với các DN thiếu tài sản đảm bảo thì cần thêm chính sách linh hoạt của ngân hàng như tăng cường cho vay tín chấp, vay theo dòng tiền, hàng tồn kho… Đồng thời phải thúc đẩy các quỹ bảo lãnh tín dụng mở rộng hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và khả năng NHNN có thể giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Điều này vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-cach-dua-von-vao-nen-kinh-te.html