Tìm cách giảm hạn chế, bất cập trong Luật Quảng cáo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập, hạn chế và đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.
Ngày 31/3, tại Tp.Đà Nẵng, Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Tp.Đà Nẵng diễn ra.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), cho rằng, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, sau hơn 10 năm thực hiện, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trưởng kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong hoạt động quảng cáo, như sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đang đặt ra…
Theo bà Hương, tại Hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.
Đồng quan điểm, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Tp.Đà Nẵng cho biết, còn một số bất cập về quy hoạch quảng cáo, công tác cấp phép và công tác xử phạt…
Ông đề xuất Bộ VHTTDL sớm ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đấu thầu cho thuê các vị trí quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với trường hợp thấy cần thiết, đề nghị sửa đổi theo hướng áp dụng hình thức đấu giá đối với các vị trí quảng cáo này.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo đối với phương tiện bảng quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; hướng dẫn công tác quản lý bảng quảng cáo trên màn hình điện tử, tránh trường hợp để xảy ra vi phạm mới khắc phục hậu quả.
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Cần Thơ, địa phương này cũng gặp bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quảng cáo đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về nội dung quảng cáo không trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, quy định này còn mang tính định tính.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc gặp khó khăn trong việc thống nhất nội dung sản phẩm quảng cáo, do có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.
Trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu sẽ bị xử lý như thế nào, vấn đề này chưa được quy định trong pháp luật quảng cáo hiện nay.
Trong khi đó, đại diện diện Sở VHTT Tp.Hồ Chí Minh nhận định, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập, nhưng hiện nay việc quản lý chỉ đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet, mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.
Có nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý và xử phạt vi phạm trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội như việc xác định chủ thể quảng cáo, địa điểm thực hiện hành vi để làm việc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền do người thực hiện quảng cáo trên không gian mạng thường là cá nhân, không có tên thật, địa chỉ không rõ ràng; không có cơ sở dữ liệu về việc cấp phép quảng cáo hoặc nội dung cho phép quảng cáo (thông tin, hình ảnh, video) để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm.