Tìm cách giữ chân nhân viên y tế

Gần 3 năm, tỉnh Kiên Giang có 257 cán bộ, nhân viên ngành y tế xin nghỉ việc, chuyển việc. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do thu nhập thấp, nhưng áp lực công việc lại cao.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, từ năm 2020 đến nay, ngành y tế tỉnh có 257 trường hợp công chức, viên chức xin thôi việc, trong đó có 77 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, dược, hộ sinh, kỹ thuật y và các chức danh khác.

8 tháng năm 2022, ngành y tế tỉnh có 98 trường hợp thôi việc; trong đó có 42 bác sĩ, 56 các chức danh khác. Hiện còn một số trường hợp viên chức đang làm đơn xin thôi việc và chờ giải quyết.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, qua theo dõi, đánh giá, phân tích nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc là do thu nhập thấp. Hiện nay, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở. Trong khi đó, đội ngũ này áp lực công việc cao, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Họ là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng...

Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng và gia đình, nên ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành y tế. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng chi trả lương cao để thu hút nhân viên y tế, thì việc các cơ sở y tế công lập khó giữ chân nhân viên của mình.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua cũng ít nhiều ảnh hưởng đến điều kiện, môi trường làm việc và tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức y tế

Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân về cá nhân như cán bộ, nhân viên ý tế công tác trong điều kiện xa nhà, xa người thân, hoàn cảnh gia đình khó khăn và cũng có trường hợp do sức khỏe không đảm bảo...

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc cho biết Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế, Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho nhân viên ngành y tế như cải cách chế độ tiền lương, xem xét điều chỉnh mức lương và chính sách phù hợp, tương xứng với sức lao động của nhân viên y tế.

"Cùng với đó, cần kịp thời có những chính sách nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, có chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ, chế độ phụ cấp chống dịch, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, độc hại, nguy hiểm, có chính sách thu hút nhân viên y tế chuyên môn cao xây dựng hành lang pháp lý giúp nhân viên y tế yên tâm công tác...” - Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc đề xuất.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, chia sẻ, động viên và có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/tim-cach-giu-chan-nhan-vien-y-te-10953.html