Tìm cách gỡ 'điểm nghẽn' cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Ngày 12-9, Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ. Nhiều chuyên gia tại Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ TP Đà Nẵng năm 2023 cho rằng, dù có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều yếu kém.

Công nghiệp hỗ trợ còn yếu

Tại hội thảo, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng Hội Cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp khoảng 16% GDP. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Dù là ngành có nhiều tiềm năng và được chú trọng phát triển, tuy nhiên, theo ông Hào, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài; số doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ còn ít, trình độ hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới sản xuất.

Trình độ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú, chất lượng chưa cao; nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI…

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương đưa ra những hạn chế. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương đưa ra những hạn chế. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng ý kiến, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, hiện chưa có một Luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và các phân ngành công nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém; các chính sách định hướng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp không phát huy được nhiều hiệu quả; tổ chức bộ máy phát triển công nghiệp chưa hiệu quả.

Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ còn có những hạn chế chung của ngành công nghiệp cả nước đó là nội lực của nền công nghiệp còn yếu; công nghiệp Việt Nam còn mất cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài; phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Hữu Hào nhìn nhận, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn như cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia.

Liên kết các doanh nghiệp được xem yếu tố không thể thiếu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Liên kết các doanh nghiệp được xem yếu tố không thể thiếu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngoài ra, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn….

Theo ông Võ Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, một trong những yếu tố để ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam đạt kết quả tích cực thời gian qua là nhờ các chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn và sự ra đời và phát triển của Khu Kinh tế mở Chu Lai và các khu cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Quảng Nam liên tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp thu hút dự án FDI và dự án trong nước. Ngoài ra, chính sách phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã tạo cho tỉnh Quảng Nam lợi thế lớn về kết nối với các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Từ đó, ông Nghĩa cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng, tạo lập Cụm liên kết ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ miền Trung.

Cần tập trung phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, nhất là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cần tập trung phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, nhất là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Kỹ thuật Đà Nẵng, thay bằng trước đây, nhiều đơn vị doanh nghiệp phải nhập hàng từ châu Âu, Úc, Nhật, Trung Quốc thì hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận được các công nghệ sản xuất, từ đó tạo ra một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các đơn vị sẽ mua các thiết bị, linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm thì việc này giảm giá thành rất nhiều.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-cach-go-diem-nghen-cho-nganh-cong-nghiep-ho-tro-post705307.html