Tìm cách gỡ khó cho thầy - trò lớp 1
Sau chỉ đạo giảm tải cho học sinh lớp 1 của Bộ GDĐT, tiếp đến TP Hồ Chí Minh cũng vừa có yêu cầu 'gỡ rối' chương trình lớp 1 trước thực tế việc triển khai dạy sách giáo khoa lớp 1 còn gặp một số khó khăn.
Cần được đánh giá và điều chỉnh
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Cùng học sinh bắt nhịp chương trình, SGK lớp 1” vừa diễn ra tại Hà Nội, chia sẻ với những khó khăn của giáo viên, học sinh sau hơn 1 tháng triển khai chương trình, SGK mới với lớp 1, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới nêu thực trạng: HS năm nay ở bậc học mầm non nghỉ 4 tháng liền do đại dịch Covid-19, nên việc trang bị về nền nếp học tập, nhận mặt chữ… chưa đầy đủ. Sau khai giảng, HS và giáo viên lại vào năm học mới ngay, không có “tuần số 0” để chuẩn bị, làm quen với SGK…
Trước phản ánh của một số phụ huynh về việc chương trình, SGK lớp 1 hơi “nặng” hơn SGK cũ, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Trước hết cần phân biệt chương trình và SGK. Chương trình tiếng Việt 1 xưa, nay và mai sau đều có mục tiêu chính là dạy học sinh biết đọc, viết.
Muốn vậy phải học đủ 29 chữ cái, 11 hoặc 14 chữ ghép (tùy quan niệm), trên dưới 140 vần. SGK là sự cụ thể hóa chương trình. Mỗi bộ SGK có thể có cách tiếp cận riêng. Do đó, nói “nặng” hay “nhẹ” là tùy thuộc vào từng quyển SGK, bài học cụ thể.
Ngoài ra còn tùy thuộc vào cách dạy của giáo viên (có giáo viên vô tình đặt yêu cầu cao hơn chương trình - dạy viết vượt 25% thời lượng; yêu cầu học sinh lớp 1 biết nối nét chữ hoặc tổ chức nhiều hoạt động rườm rà…).
Khẳng định chương trình, SGK lớp 1 mới không nặng hơn chương trình cũ, tuy nhiên GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nhận định: Chương trình vẫn cần được đánh giá và điều chỉnh. Thời gian để đánh giá chương trình chắc chắn sẽ lâu hơn thời gian đánh giá SGK rất nhiều.
Còn về SGK, giáo viên có thể đánh giá sơ bộ ngay từ khi nghiên cứu để chọn SGK. Đồng thời, có thể đánh giá ngay trong quá trình dạy học, nhất là đánh giá từng bài cụ thể. Giáo viên nên ghi lại đánh giá của mình và kịp thời phản ánh với nhà trường, hoặc cơ quan quản lý giáo dục để điều chỉnh.
Trao đổi về giải pháp để dạy - học lớp 1 theo chương trình mới được hiệu quả, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Trước hết, giáo viên cần dạy đúng yêu cầu của chương trình, thực hiện quyền chủ động của mình: Tăng số tiết cho những bài học còn khó với số đông học sinh; thực hiện dạy học phân hóa; giảm bớt những hoạt động không thiết thực.
Nếu giáo viên, phụ huynh nóng vội, “đốt cháy” giai đoạn khi dạy học sinh lớp 1, có thể dẫn đến tình trạng quá tải, trẻ không tiếp thu, không làm được bài, thậm chí còn gây áp lực tâm lý, khiến cho trẻ sợ học.
Tiếp tục lắng nghe để tháo gỡ điểm nghẽn
Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải đáp thắc mắc chương trình lớp 1 mới” cũng vừa được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ GDĐT và Sở GDĐT TP HCM. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đã có tới gần 300 câu hỏi dành cho ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) và đại diện Sở GDĐT TP HCM.
Theo ông Thái Văn Tài, chương trình GDPT mới không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học.
Vì thế, các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên đề xuất của giáo viên và tổ bộ môn. Kế hoạch giáo dục từng trường cũng phải cho phép giáo viên linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học tùy theo đối tượng học sinh và các chủ đề, bài học.
Trước những băn khoăn của phụ huynh về việc trẻ học thêm trước khi vào lớp 1, ông Tài cũng phân tích, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các học sinh.
Việc cho con học trước hay học thêm bên ngoài nhà trường vì lo lắng trước những khó khăn trong việc dạy học lớp 1 vô hình trung góp phần làm tăng thêm áp lực, căng thẳng cho trẻ. Trong khi những bất cập đang diễn ra khi triển khai chương trình lớp 1 có thể điều chỉnh, khắc phục ngay trong các nhà trường.
Xung quanh những vướng mắc về dạy và học chương trình lớp 1 mới, hiện Bộ GDĐT vẫn đang tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu, phân tích tình hình, thực hiện các giải pháp với địa phương. Trước hết đề nghị các trường tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng đối với đối tượng học sinh lớp 1 và tình hình triển khai tại trường mình, lắng nghe phản ánh từ phụ huynh và đặc biệt thực hiện theo đúng quy định của Bộ về triển khai chương trình GDPT mới.
Ông Tài cho hay, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và đang phối hợp với các lực lượng xây dựng tài liệu bồi dưỡng trực tuyến để chuyển đến tất cả các nhà trường, giúp giáo viên nắm thật chắc, thật kỹ đúng với yêu cầu của chương trình và chủ động triển khai chương trình lớp 1 một cách tự tin nhẹ nhàng, hiệu quả, tránh gây áp lực cho học sinh và phụ huynh cũng như hiểu rõ các yêu cầu cần đạt của chương trình.
Không gây áp lực cho học sinh
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: Giáo viên không cần giao bài tập về nhà với HS lớp 1. Vì HS lớp 1 có cả 10 tiết/ngày để tự học, thực hành, vui chơi, học ngoại ngữ (tùy chọn). Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng những tiết học này để những học sinh chưa làm xong bài tập có điều kiện hoàn thành.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-cach-go-kho-cho-thay--tro-lop-1-519821.html