Tìm cách gỡ vướng cho nông nghiệp TP.HCM
Chất lượng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu.
Ngày 31-8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền TP.HCM.
Doanh nghiệp gặp khó về chính sách
Tại hội nghị, nhiều DN, HTX nêu những khó khăn trong xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…
Đại diện Sở TN&MT cho biết hiện nay quỹ đất nông nghiệp và phi nông nghiệp (chưa kể đất chưa sử dụng) của TP.HCM là 208.000 ha, trong đó đất nông nghiệp là 114.000 ha, chiếm 54,75%.
Ông Tăng Chí Hưng, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM, cho biết công ty 100% vốn nhà nước. Hiện công ty đang được giao quản lý quỹ đất 3.300 ha ở huyện Củ Chi. Thế nhưng khi xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp như kho để chứa trữ vật tư, phân bón, các tiện ích phục vụ người lao động…, công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Tôn Thất Hưng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12), chia sẻ HTX có khoảng 4 ha đất nông nghiệp nhưng nhiều năm nay chưa được cấp giấy tờ gì nên đây là rào cản không phát triển được.
Mới đây, HTX nghiên cứu đưa vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để có thể khai thác được lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, HTX không có tờ giấy nào trong tay nên không ai dám hợp tác.
Tương tự, đại diện HTX Nông nghiệp xanh huyện Củ Chi cho biết: HTX chuẩn bị từ năm 2016, mở cửa từ năm 2018. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép đầu tư trên đất nông nghiệp.
“Cái khó của chúng tôi về chủ trương, chính sách. Thậm chí, trước đây từng xây dựng để đáp ứng đơn hàng của DN Hàn Quốc nhưng không được xây dựng nên phải tháo dỡ, làm mất uy tín với khách hàng” - ông Hưng nói.
Còn vướng do chưa quy hoạch
Phản hồi khó khăn của các DN, đại diện Sở Xây dựng cho biết quy định pháp luật đối với những dự án có sử dụng đất gồm: Thứ nhất, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thứ hai, quy hoạch chi tiết dự án; thứ ba, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cuối cùng là lập dự án.
Đối với dự án có cấu phần xây dựng thì phải gắn với pháp luật về xây dựng. Do đó, trong dự án của DN, HTX mặc dù sản xuất nông nghiệp là mục tiêu chính nhưng trong dự án có cấu phần xây dựng là các công trình phụ thì phải tuân theo quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Nghị định 15/2021.
Theo nghị định này, tổng mức đầu tư về cấu phần xây dựng dưới 15 tỉ đồng chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và báo cáo này thẩm quyền do chủ đầu tư, sở hữu vốn quyết định.
Đối với công trình có quy mô cấp 4, tức diện tích xây dựng dưới 1.000 m2, chiều cao không quá 6 m, không thuộc quy hoạch đô thị, không thuộc điểm quy hoạch dân cư nông thôn thì được miễn giấy phép xây dựng.
Đại diện Sở Xây dựng cũng nhìn nhận khó khăn, vướng mắc hiện nay trong xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp là quy định “đất nông nghiệp khác” mới có thể xây dựng. Còn tất cả loại đất nông nghiệp không nằm trong nhóm đất nông nghiệp khác thì không được phép xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cũng cho rằng khó khăn phát triển nông nghiệp của TP.HCM chính là xây dựng trên đất nông nghiệp.
“Với hơn 100.000 ha đất nông nghiệp thì điều kiện cần đó là đất nông nghiệp khác hiện chưa đến 1%. Chúng tôi đề xuất nếu lên được 10% thì người dân, DN mới đầu tư, đồng thời cần sở, ngành hướng dẫn” - ông Phú nói.
Theo ông Phú, khi HĐND thông qua Nghị quyết 98, hy vọng các sở, ngành có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan cho các DN, HTX.
Tìm đầu ra cho nông sản
Liên quan đến hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết các sở, ngành hằng năm đều có hoạt động xúc tiến hỗ trợ DN, trong đó làm sao tìm kiếm đầu ra thị trường.
Qua kinh nghiệm xúc tiến thương mại, khẳng định các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam có tự tin về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN chưa có sự quan tâm về xúc tiến thương mại do nguồn lực hạn chế.
“Do đó, DN, HTX cần nghiên cứu các chương trình xúc tiến nào phù hợp với thị trường đối tượng khách hàng của mình” - ông Lữ nói. Ông cũng cho rằng nếu các HTX đồng hành với các chương trình xúc tiến do cơ quan nhà nước tổ chức thì rất tốt, vì chi phí tham gia thấp nhất do trong hoạt động này có ngân sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết dư địa phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị của TP còn rất lớn.
“Sản phẩm nông nghiệp TP.HCM hiện diện trên bàn ăn trong khách sạn 5 sao nhiều. Qua đó cho thấy dư địa vẫn còn, kênh tiêu thụ vẫn còn nhưng còn cách làm thế nào. Vấn đề này chúng tôi đã giao Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp nghiên cứu, hỗ trợ kết nối DN, nông dân” - ông Phú nói.
“Dự kiến kỳ họp HĐND cuối năm nay, Sở NN&PTNT sẽ trình HĐND vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn TP. Trước mắt trong năm nay có hai sản phẩm của Cần Giờ thí điểm là yến và xoài… Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu yến Cần Giờ thì sản lượng cũng ngang với Indonesia” - ông Phú nhấn mạnh.
15.000 tỉ đồng vay ưu đãi cho ngành lâm sản và thủy sản
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết chính sách mới nhất của Nhà nước là gói 15.000 tỉ đồng dành mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 1%-2% cho ngành lâm sản và thủy sản.
Ngân hàng Nhà nước đang đồng hành cùng sở, ngành, quận, huyện… tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ, các HTX khó khăn tiếp cận thì cần liên hệ với Liên minh HTX, phòng Kinh tế từng quận, huyện tìm hiểu chương trình để được tư vấn, hỗ trợ thực hiện nhằm được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tim-cach-go-vuong-cho-nong-nghiep-tphcm-post749484.html