Tìm cách khắc chế cadimi lấy lại phong độ cho trái cây 'vua'
Sầu riêng nhiễm cadimi đã có những tác động nặng nề lên ngành hàng trái cây chủ lực này nói riêng và rau quả nói chung khi tiêu thụ gặp khó. Từ đó, việc tìm cách 'giải độc' cadimi cho loại cây trồng này đang được khẩn trương triển khai nhằm lấy lại 'phong độ' cho... trái cây vua.

Tìm cách giải độc cadimi cho cây sầu riêng. Ảnh: Trung Chánh
Sau kỳ tích là những khó khăn!
Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam lần đầu tiên lập kỳ tích với kim ngạch xuất khẩu vượt 7 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% so với năm trước. Trong đó, sầu riêng đóng góp lớn khi đạt 3,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch toàn ngành. Trung Quốc là thị trường chủ lực, tiêu thụ tới 97% lượng sầu riêng xuất khẩu cả nước, tương đương khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.
Sự bùng nổ của sầu riêng là kết quả từ việc mở cửa thị trường Trung Quốc cũng như đẩy mạnh diện tích trồng. Giai đoạn 2015- 2024, mỗi năm cả nước tăng thêm khoảng 16.300 héc ta trồng mới, từ 32.000 héc ta lên 178.000 héc ta; sản lượng tăng khoảng 126.000 tấn/năm, đạt khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành hàng sầu riêng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, bao gồm gian lận mã số vùng trồng, sai phạm tại cơ sở đóng gói và cả vấn đề an toàn thực phẩm.
Thực tế, từ đầu năm 2025 đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với chất Vàng O và cadimi. Điều này khiến xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sụt giảm mạnh, kéo giá thị trường nội địa cũng lao dốc.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho thấy tháng 6-2025, xuất khẩu rau quả đạt 750 triệu đô la Mỹ, đưa lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 3,05 tỉ đô la Mỹ, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, với mặt hàng sầu riêng, đến hết tháng 5-2025, xuất khẩu đạt 387 triệu đô, giảm 58% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 67,5%, còn 278 triệu đô la Mỹ.
Trong khi đó, theo số liệu tính toán sơ bộ của Hiệp hội rau quả Việt Nam, ước tính 7 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt gần 3,84 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,2% so với cùng kỳ, nhưng chưa có số liệu thống kê ước tính của từng mặt hàng riêng lẻ.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, thương lái thu mua sầu riêng tại vườn của nông dân với giá chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg đối với giống RI 6 và khoảng 50.000 đồng/kg đối với giống Thái- mức giá thấp nhất kể từ năm 2024 trở lại đây.

Cadimi trong cành lá giảm, chờ kết quả trong trái. Ảnh: Trung Chánh
Cadimi giảm trong cành lá, chờ kết quả ở trái
Từ vấn đề nêu trên, các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp (trước đây là tỉnh Tiền Giang) đã và đang triển khai, áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác để tìm cách “giải độc” cadimi cho cây sầu riêng.
Trao đổi với KTSG Online, bà Võ Thị Kim Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực tỉnh Đồng Tháp, đánh giá sau 4 tháng áp dụng kỹ thuật canh tác “giải độc”, các mô hình có khuynh hướng giúp pH trong đất tăng 0,5-0,92 đơn vị; hàm lượng cadimi trong cành lá giảm 0,02-0,03 mg/kg, trong khi chỉ tiêu trong đất và trái chưa có kết quả. “Chỉ tiêu cadimi trong đất, trái và cả cành lá đang tiếp tục theo dõi để đánh giá chính xác kết quả của mô hình”, bà Phương cho biết.
Hai mô hình đã được triển khai, gồm của hộ Nguyễn Phước Linh, ngụ ấp 4, xã Thanh Hưng, tỉnh Đồng Tháp (ấp 4, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũ) và Trần Thế Bảy, ấp 16, xã Long Tiên, tỉnh Đồng Tháp (ấp 16, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũ).
Theo đó, 5 giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng để xử lý, bao gồm giải pháp 1: canh tác theo quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng cho các tỉnh Nam bộ (theo Quyết định số 116/QĐ-TT-VPPN ngày 20-3-2023 của Cục trồng trọt- nay là Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật), trong đó, sử dụng các loại phân bón không chứa hoặc có chứa hàm lượng cadimi rất thấp để kiểm soát.
Giải pháp thứ hai: thực hiện giải pháp 1, nhưng kết hợp trồng cây (cây bạc hà) để hấp thu cadimi trong đất; giải pháp thứ ba: áp dụng giải pháp 1 kết hợp xử lý chế phẩm sinh học để làm giảm khả năng hấp thụ cadimi của cây sầu riêng.
Giải pháp thứ tư và năm, đều áp dụng giải pháp 1, tuy nhiên, ở giải pháp thứ tư có kết hợp xử lý than hoạt tính (Biochar), trong khi giải pháp thứ năm áp dụng đồng thời chế phẩm sinh học và Biochar để đánh giá hiệu quả “giải độc” của cây sầu riêng.
Mỗi giải pháp như nêu trên được triển khai thực hiện với quy mô diện tích là 0,1 héc ta, tức 1.000 m2.
Qua quá trình áp dụng các biện pháp kỹ thuật “giải độc” như nêu trên, bước đầu ghi nhận hàm lượng cadimi có giảm ở một số giải pháp, trong khi pH trong đất cũng được nâng lên.
Chẳng hạn, mô hình của ông Trần Thế Bảy, ấp 16, xã Long Tiên, tỉnh Đồng Tháp, trước khi thực hiện, kết quả xét nghiệm nồng độ pH đất có chỉ số là 4,5, trong khi hàm lượng cadimi trong đất, cành lá và trái lần lượt ở mức 0,096 mg/kg, 0,04 và 0,02 mg/kg.
Còn kết quả sau 4 tháng “giải độc”, nồng độ pH trong đất đã được nâng lên mức 5, tức tăng 0,5 đơn vị so với ban đầu; hàm lượng cadimi trong “cành lá” của giải pháp 1 đến 3 lần lượt được ghi nhận là 0,01 mg/kg, 0,02 và 0,01 mg/kg, tức đã giảm so với con số ban đầu (0,04 mg/kg), trong khi giải pháp 4 và 5 hàm lượng cadimi ở “cành lá” là không đổi, tức vẫn ở mức 0,04 mg/kg.
Còn với hàm lượng cadimi trong đất và trái ở tất cả giải pháp kỹ thuật hiện vẫn chưa có kết quả phân tích từ cơ quan chuyên môn, theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp.
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp trao đổi với KTSG Online cũng xác nhận kết quả cadimi trong cành lá được ghi nhận có giảm so với trước khi triển khai mô hình.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, đây mới là kết quả bước đầu trên “cành lá”, trong khi xuất khẩu là trái. “Do đó, muốn đánh giá kết quả thế nào, có được phép xuất khẩu sang Trung Quốc hay không phải chờ kết quả đánh giá trên trái”, ông cho biết và thông tin, vụ thu hoạch hiện vẫn chưa diễn ra (đang làm bông).
Đứng ở góc độ người nông dân, ông Trần Thế Bảy, ngụ ấp 16 xã Long Tiên, tỉnh Đồng Tháp, cho biết ông có 140 gốc sầu riêng 12 năm tuổi đang áp dụng các giải pháp giảm cadimi. “Tuy nhiên, những giải pháp này do Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (tỉnh Đồng Tháp) phối hợp với các viện, trường triển khai, tôi chỉ cho mượn đất thôi”, ông thông tin.
Trước đó, trong chuyến khảo sát, tham quan mô hình “giải độc” cadimi, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề nghị cần theo dõi, đánh giá toàn diện để xác định nguyên, có giải pháp hiệu quả để khuyến cáo nông dân ngăn ngừa, khắc phục nhiễm cadimi trên cây sầu riêng.
Qua những tín hiệu tích cực bước đầu từ mô hình trên cho thấy đây có thể là hướng đi cho cây sầu riêng. Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi, cần thêm thời gian theo dõi, nghiên cứu chuyên sâu, tiến tới xây dựng quy trình kỹ thuật toàn diện, giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững để duy trì vị thế trên thị trường quốc tế...