Tìm cách hút FDI cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thực tế cho thấy đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có tính chất 'mềm' về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... đã tác động, ảnh hưởng xấu đến tình hình/kết quả đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) và Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các tỉnh miền núi của Việt Nam.
TS. Hoàng Văn Xô, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Sự hợp tác với ISC sẽ mở ra triển vọng mới cho các địa phương miền núi trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
TS.Hoàng Văn Xô đánh giá thời gian qua, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, vùng này vẫn là khu vực nghèo nhất của cả nước. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển bền vững, ngoài các nguồn lực trong nước, cần nguồn đầu tư nước ngoài-một kênh thu hút đầu tư quan trọng.
Thực tế cho thấy đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có tính chất “mềm” (về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm...) đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình/kết quả đầu tư nước ngoài.
Theo bà Arabella Bennett, Bí thư thứ hai, Ban kinh tế – Đại sứ quán Australia mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để cải thiện đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các chuyến thăm Australia sắp tới của phái đoàn để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư", ông Arabella Bennett nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC và Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA), khẳng định: “Với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ISC mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong việc hỗ trợ các địa phương miền núi thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".
Với tầm nhìn chiến lược và cam kết mạnh mẽ, sự hợp tác giữa ISC và Ủy ban Dân tộc hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội và triển vọng mới cho các địa phương miền núi trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững.