Tìm cách khôi phục tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Phần Lan

Bà Hentriikka Kontio - cố vấn Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan thông tin, 99% điều kiện tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu của Phần Lan đã hài hòa hóa với EU. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn giữ vững và gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Phần Lan phải tuân thủ theo quy định chung của EU.

Tại hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan diễn ra ngày 22/9, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvato nhấn mạnh, Việt Nam - Phần Lan có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và có nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ này.

Đặc biệt, nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên tăng lên bậc cao hơn. “Chúng tôi nhìn thấy lượng hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào Phần Lan ngày một lớn. Đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, do các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Phần Lan được quy định ngày một nghiêm ngặt đòi hỏi các nhà cung ứng, trong đó có nhà cung ứng Việt Nam phải đáp ứng” - Đại sứ Keijo Norvato cho hay.

Nông sản Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến mẫu mã và tiêu chuẩn sản xuất xanh để có thể chinh phục thị trường Phần Lan. Ảnh: Hải Anh

Nông sản Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến mẫu mã và tiêu chuẩn sản xuất xanh để có thể chinh phục thị trường Phần Lan. Ảnh: Hải Anh

Từ khi EVFTA đi vào thực thi thương mại hai bên tăng ấn tượng. Tuy nhiên, sau mức tăng 54,2% năm 2021 đã có sự sụt giảm, năm 2022 giảm 15,6% so với năm 2021. Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong bối cảnh kim ngạch thương mại giảm. Việc tổ chức hội nghị giao thương doanh nghiệp hai bên hết sức thiết thực để kết nối thương mại hai chiều, phục hồi xuất nhập khẩu.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, việc giảm thuế theo cam kết của EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Theo dự báo, nhu cầu với mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ tăng cao tại EU. Do vậy, hội nghị là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực và tiến tới hợp tác.

Bà Hentriikka Kontio - cố vấn Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan cho hay, Phần Lan là thành viên khối EU, do đó các tiêu chuẩn về chất lượng đòi hỏi rất cao. 99% điều kiện tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu của Phần Lan đã hài hòa hóa với EU. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Phần Lan phải tuân thủ theo quy định chung của EU.

Đơn cử, sản phẩm có nguồn gốc động vật như nhuyễn thể 2 mảnh sống phải nhập khẩu qua 17 cơ sở tại EU đã được cấp phép. Hay ớt, mỳ ăn liền… đã bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu sẽ bị kiểm tra ngay tại biên giới.

Đặc biệt, theo bà Hentriikka Kontio, Phần Lan còn áp dụng thêm quy định riêng với thực phẩm nhập khẩu như cần dán nhãn đối với sản phẩm thêm muối…

Ngoài tiêu chuẩn khắt khe, thị trường Phần Lan còn khá khác biệt. Trên thị trường chỉ có 2 nhà bán lẻ chiếm phần lớn thị phần, còn lại là nhà bán hàng nhỏ lẻ. Thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 2,7% thị phần, tuy nhiên con số này đang tăng lên theo nhu cầu.

Với những đặc điểm đó, thâm nhập thị trường thông qua nhà môi giới tới nhà bán lẻ hoặc bán nguyên liệu thô cho doanh nghiệp Phần Lan là cách thức ban đầu được khuyến cáo với doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ cũng là sản phẩm có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài cho hay, Phần Lan có công nghệ phát triển, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải. Nhiều công ty Phần Lan trong lĩnh vực này đã bày tỏ quan tâm về thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Phần Lan cũng có thế mạnh về chế biến nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tim-cach-khoi-phuc-tang-truong-xuat-khau-vao-thi-truong-phan-lan-136347.html