Tìm cách làm riêng để phát huy hiệu quả của chính sách

Không dễ để có giải pháp chung giải quyết được mọi vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng vẫn có những cách làm riêng để các chương trình, chính sách thực sự phát huy hiệu quả... Đây cũng là câu chuyện được các Ban Dân tộc các tỉnh phía Bắc chia sẻ trong Hội nghị trao đổi kinh nghiệm tổ chức mới đây tại tỉnh Bắc Giang.

Đến từ Cao Bằng – tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng – ông Bế Văn Hùng cho hay: Trong số 8 dân tộc sinh sống lâu đời ở Cao Bằng, dân tộc Lô Lô mặc dù chỉ chiếm 0,54% dân số nhưng đây lại là cộng đồng có nguy cơ bị tụt hậu lớn nhất trong quá trình phát triển. Đến nay, hơn 500 hộ người Lô Lô vẫn cư trú ở vùng xa xôi, hẻo lánh, thiếu điện và nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo của người Lô Lô hiện vẫn còn 55.62%… Trước thực tế này, để rút ngắn khoảng cách của đồng bào Lô Lô so với các dân tộc khác trong tỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng giao cho Ban Dân tộc Cao Bằng làm chủ đầu tư thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Lô Lô giai đoạn 2016 - 2025.

Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc năm 2021 có sự tham gia của 120 đại biểu đến từ 7 Ban Dân tộc các tỉnh phía Bắc

Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc năm 2021 có sự tham gia của 120 đại biểu đến từ 7 Ban Dân tộc các tỉnh phía Bắc

Kết quả là, trong năm 2019 - 2020, với 37,047 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Lô Lô, Ban Dân tộc Cao Bằng đã giúp đồng bào mua hơn 1 triệu cây hồi, quế, sở; 354 con bò sinh sản; 169 chuồng trại; trang bị thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng; đầu tư dự án đường giao thông, nhà công vụ giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng. “Từ chỗ bám dân, lắng nghe nguyện vọng thực tế của nhân dân; nghiên cứu kỹ phong tục, tập quán, thói quen của đồng bào… chúng tôi đã tìm ra phương thức hỗ trợ thật sự hiệu quả theo từng địa bàn, từng thời kỳ” – Trưởng ban Bế Văn Hùng chia sẻ.

Trong rất nhiều khó khăn đặt ra với tỉnh Bắc Kạn (địa phương có tới 67 xã, 647 thôn đặc biệt khó khăn), thì tảo hôn là một trong những vấn đề tồn tại từ lâu, trực tiếp làm suy giảm chất lượng dân số, dẫn tới thất học, đói nghèo. Để giải quyết vấn đề này, Ban Dân tộc Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1436/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020”.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Bắc Kạn đã xây dựng được 11 mô hình điểm tại 4 huyện thường xuyên xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, Nhóm nòng cốt tại các mô hình. Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể (áp phích, tờ rơi, sân khấu hóa, các chương trình truyền hình phát thanh bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc…) tình trạng tảo hôn ở Bắc Kạn đang giảm dần qua từng năm: Năm 2016 có 178 cặp, năm 2017 có 169 cặp, năm 2018 có 133 cặp, năm 2019 có 114 cặp, năm 2020 còn 95 cặp. Qua thực hiện mô hình điểm tại Trường THCS, tình trạng các em bỏ học về lấy vợ lấy chồng đã giảm; từ năm 2019 đến nay không có trường hợp nào. “Bên cạnh sự sốt sắng, tích cực vào cuộc của Ban Dân tộc Bắc Kạn, để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn đạt hiệu quả, vấn đề lựa chọn hình thức tuyên truyền ngắn gọn, hấp dẫn, dễ hiểu là rất quan trọng. Đặc biệt, việc tranh thủ các chức sắc, tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động là rất cần thiết, bởi đây là những người có tiếng nói rất quan trọng với thôn, làng…” - Trưởng Ban Dân tộc Bắc Kạn - bà Triệu Thị Thu Phương chia sẻ.

Cùng với câu chuyện của Ban Dân tộc Cao Bằng, Bắc Kạn, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ hành trình tham mưu để tỉnh Bắc Giang hỗ trợ làm mới hàng ngàn ki-lô-mét đường bê tông nối các thôn bản vùng cao; Ban Dân tộc Thái Nguyên với các chương trình, đề án, chuyên đề dành riêng cho vùng DTTS và miền núi góp phần thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các DTTS trong tỉnh; Ban Dân tộc Lạng Sơn với kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS… Mỗi câu chuyện là một bài học về thực hiện chính sách dân tộc, vai trò và những đóng góp của các cơ quan làm công tác dân tộc trong hành trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS và miền núi. Đây cũng chính là kinh nghiệm thực tế quý giá mà các Ban Dân tộc khác có thể cùng học hỏi, trao đổi để các chương trình, chính sách dành cho vùng DTTS và miền núi thực sự đơm hoa kết trái, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS ở các vùng, miền.

Tú Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-cach-lam-rieng-de-phat-huy-hieu-qua-cua-chinh-sach-156375.html