Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Thách thức và cơ hội với các ngành CNVH Việt Nam
Các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung đã, đang có những đóng góp to lớn về cả phương diện kinh tế và phi kinh tế của nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam
Số liệu giai đoạn 2018-2022 (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2023) cho thấy đóng góp trung bình của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) vào giá trị gia tăng đạt gần 3,5%/năm.
Đối mặt nhiều thách thức
Điều này thể hiện tốc độ phát triển của các ngành CNVH ở Việt Nam ngày càng được cải thiện và có phần trội hơn so với đóng góp 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu của các ngành CNVH và sáng tạo vào năm 2020, theo số liệu báo cáo của UNESCO. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất của các ngành CNVH (theo giá hiện hành) bình quân giai đoạn 2018-2022 ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).
Tuy nhiên, ngành CNVH trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự phát triển với tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số, xu hướng chuyển đổi số và một số công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thách thức mô hình cung ứng sản phẩm các ngành CNVH cho thị trường.
Sự nổi lên của nền tảng kỹ thuật số và dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu như TikTok, Netflix, YouTube, Spotify, các sàn giao dịch số…, cũng như các nền tảng truyền phát do địa phương phát triển đã thay đổi cách người dân tiêu thụ nội dung sáng tạo.
Bên cạnh đó, xu hướng thương mại điện tử các sản phẩm văn hóa chiếm thị phần ngày càng tăng, phá vỡ các mô hình doanh thu truyền thống cho các ngành như âm nhạc, phim ảnh, truyền thanh và xuất bản... Người tiêu dùng và khán giả có xu hướng tiêu dùng trực tuyến nhiều hơn so với những năm trước.
Ở thách thức này, khía cạnh kỹ thuật số thậm chí không dừng ở mức là một hình thức truyền tải văn hóa từ người sáng tạo tới khán giả mà nó còn phản ánh những thay đổi lớn hơn về chuỗi chu trình sản xuất văn hóa.
Chúng ta hiện đang đối mặt với một môi trường kỹ thuật số, nơi mà vai trò của cộng đồng, nghệ sĩ và khán giả đang có sự thay đổi nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị kỹ thuật số, các nền tảng số tạo thuận lợi cho hoạt động tương tác và can thiệp của các nhân tố trong chu trình này.
Xu hướng này đang làm thay đổi chuỗi chu trình giá trị văn hóa từ sáng tạo cho tới tiêu thụ, đặt ra vấn đề các doanh nghiệp CNVH phải thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Chưa kể, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang là một thách thức đối với vai trò sáng tạo của nghệ sĩ và người thực hành văn hóa, nghệ thuật.
AI đang trở thành lực lượng sáng tạo và quản lý nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn, có khả năng không chỉ thể hiện tốt các biểu đạt văn hóa mà còn có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm văn hóa xuất sắc.
Một thách thức nữa là bảo vệ và khai thác có hiệu quả sở hữu trí tuệ. Các cơ chế về quyền tác giả và quyền liên quan không đủ để hỗ trợ cho sự phát triển các ngành CNVH mà đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý và quản trị nhà nước đồng bộ, cơ chế thực thi hiệu quả về sở hữu trí tuệ để phản ánh phạm vi rộng về ngành và lĩnh vực CNVH như hiện nay.
Cơ hội vẫn rộng mở
Dù vậy, những thách thức trên cũng mở ra những cơ hội cho các ngành CNVH trong thời gian tới. Sự phát triển của công nghệ số và các công nghệ mới mở rộng dải công cụ cho người thực hành và kinh doanh khai thác để sáng tạo và phân phối.
Các kênh tiêu dùng thuận tiện, giá rẻ và khả năng tiếp cận sản phẩm CNVH quốc tế cho người tiêu dùng và khán giả Việt Nam và ngược lại. Bối cảnh này dẫn tới cơ hội đổi mới về mô hình hoạt động và kinh doanh trong các ngành CNVH, ví dụ như cho phép người sáng tạo tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tăng doanh thu từ việc giảm bớt vai trò của các kênh phân phối truyền thống.
Xu hướng toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội hơn cho người sáng tạo và doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hoạt động ký kết các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và một số quốc gia.
Bên cạnh đó, xu hướng tìm kiếm và tiêu dùng các sản phẩm CNVH có nội dung châu Á hiện nay đang là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt để có lợi thế cạnh tranh trong thị trường CNVH toàn cầu.
Chính sách phát triển thị trường các ngành CNVH
Trong bối cảnh này, chính sách nào cần được phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành CNVH, biến các thách thức thành cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh và giành vị trí trong khu vực?
Trước hết là xây dựng các cơ chế tài chính, ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo như cơ chế đối tác công - tư trong các ngành văn hóa và sáng tạo, các gói ưu đãi tài chính và tài trợ; ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.
Phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, trong đó một mặt nâng cấp hiệu quả khai thác cơ sở vật chất công hiện có, xây dựng cơ sở hạ tầng mới như các trung tâm văn hóa, không gian văn hóa và sáng tạo, không gian biểu diễn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới để phân phối nội dung sáng tạo đang ngày càng đa dạng và phong phú.
Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm bồi dưỡng tài năng và kỹ năng về văn hóa và sáng tạo. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động thương mại, quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn cầu để mở rộng thị trường khu vực và quốc tế cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam như tiếp tục ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế để tạo ra những ưu đãi về xuất, nhập khẩu cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa Việt Nam.
Tổ chức các lễ hội và sự kiện văn hóa quốc tế nhằm giới thiệu nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh Việt Nam, xúc tiến thương mại quốc tế để quảng bá hàng hóa văn hóa và sáng tạo, tạo cơ hội thương mại quốc tế cho doanh nghiệp trong nước và mở rộng các hoạt động tiếp thị và quảng bá trên các nền tảng kỹ thuật số để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, đặc biệt trong môi trường số.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm thiết lập khung pháp lý cùng các chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động của người làm sáng tạo văn hóa nghệ thuật và các doanh nghiệp CNVH để họ có thể tạo ra được các sản phẩm CNVH có nội dung địa phương nhưng chất lượng toàn cầu, có tính cạnh tranh về thương mại, tích hợp các yếu tố phát triển bền vững.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5