Tìm chính sách việc làm phù hợp cho từng đối tượng thanh niên
Thanh niên là nhân tố chi phối phần lớn các chỉ tiêu trong hoạt động kinh tế-xã hội. Vì vậy, cần thiết đưa ra những chủ trương, chính sách việc làm theo từng khối đối tượng, như thanh niên nông thôn, công nhân, đô thị, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ…, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và nhà ở những năm gần đây, cả số tuyệt đối và tỷ lệ thanh niên từ năm 2015 tới nay đang có dấu hiệu giảm rõ rệt. Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2021, triển vọng 2030 cũng phản ánh điều tương tự, với tỷ lệ giảm bình quân 2,15%/năm (tương ứng khoảng 170 nghìn người/năm).
Đây là vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh giai đoạn dư lợi dân số (hay còn gọi là “dân số vàng”) đang trôi dần về những năm cuối cùng, tiến nhanh tới giai đoạn già hóa dân số, tỷ lệ phụ thuộc tăng cao… khiến nhóm thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, tỷ lệ lao động trong thanh niên luôn có tỷ trọng cao từ 75 trở lên, nhưng trình độ chuyên môn đang là vấn đề đáng lo ngại, khi tỷ lệ lao động qua đào tạo mới ở mức 67% và tỷ lệ đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 27%.
Do tác động từ đại dịch Covid-19, mảng lao động và việc làm đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến hết quý I/2023, dù lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,2 triệu người (tăng hơn 1 triệu người so cùng kỳ năm 2022), nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn lên tới 9,46% (cao hơn 2,81 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn).
Tính tổng quan, quý I/2023, cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (tăng hơn 54 nghìn người so với quý IV/2022).
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội việc làm đang có xu hướng gia tăng, nhưng kéo theo đó lại là những thách thức chưa từng xuất hiện. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng tăng nhanh nhưng giá trị tuyệt đối lại thấp. Báo cáo về năng suất lao động Việt Nam năm 2020 cho thấy chỉ số này chỉ đạt xấp xỉ 118 triệu đồng/lao động.
Lực lượng lao động Việt Nam dù vẫn dồi dào, nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại hạn chế, nhất là ở khu vực nhân lực chất lượng cao.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là lực lượng lao động Việt Nam dù vẫn dồi dào, nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại hạn chế, nhất là ở khu vực nhân lực chất lượng cao. Ngân hàng Thế giới qua Báo cáo “Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai”, công bố tháng 8/2021, đã thẳng thắn nhận định: Lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu kỹ năng để hoàn toàn làm chủ kinh tế số.
Báo cáo so sánh Việt Nam và một số quốc gia khác và chỉ ra rằng, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông và kỹ năng số của một bộ phận dân số tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội còn thấp. Cùng với đó, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp khảo sát cho biết đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác công nghệ số.
Cùng những vấn đề kể trên, lực lượng lao động ở nước ta còn chịu tác động mạnh mẽ, liên tục từ các yếu tố như: Lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn, cần thời gian chuyển đổi; bảo hiểm xã hội bao phủ còn thấp, cần nhiều nỗ lực mới có thể đạt các mục tiêu; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước; quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ và siêu nhỏ, số lao động bình quân ở mỗi doanh nghiệp có xu hướng giảm dần…
Nhằm góp phần từng bước gỡ rối các bất cập, ngày 5/5, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.
Dịp này, đại diện các cơ quan chức năng, nhà quản lý, nhà quy hoạch chính sách đã đưa ra nhiều ý kiến để hỗ trợ bạn trẻ chủ động nắm bắt cơ hội, thích ứng với bối cảnh sau đại dịch và lập thân, lập nghiệp trong cuộc cách mạng khoa học-công nghệ.