Tìm chỗ đứng cho môn nghệ thuật
Hầu hết giáo viên dạy môn âm nhạc lại đều làm việc theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng, vì các trường không có nguồn tuyển giáo viên.
Sau năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT, thống kê sơ bộ cho thấy TPHCM có gần 20 trường triển khai bộ môn Âm nhạc ở khối 10. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng số gần 200 trường THPT công lập và tư thục trên địa bàn thành phố. Hầu hết giáo viên dạy môn học này lại đều làm việc theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng, vì các trường không có nguồn tuyển giáo viên.
Cô Nguyễn Quỳnh Lê, giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, hiện đang hợp đồng thỉnh giảng giáo viên âm nhạc tại hai trường THPT Marie Curie (quận 3) và THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), chia sẻ, khi giáo viên đặt câu hỏi vì sao chọn môn Âm nhạc, nhiều học sinh trả lời rằng không thích môn học nào đó trong nhóm các môn tự chọn nên chọn âm nhạc cho dễ học. Bên cạnh đó, không ít học sinh cho biết đăng ký học âm nhạc vì “kiểu gì cũng qua, không áp lực rớt môn như các môn học khác”.
Ở góc độ khác, theo cô Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 chưa xác định rõ vị trí và vai trò của các môn năng khiếu. Nếu được quy định là một trong các môn thi tốt nghiệp, người học sẽ quan tâm nhiều hơn các môn học này.
Để việc giảng dạy các môn nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật) đạt hiệu quả, đồng thời có lộ trình triển khai ổn định ở các trường THPT, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025. Cùng với đó, bài toán đào tạo giáo viên môn nghệ thuật để bổ sung nguồn tuyển cần sự chung tay mạnh mẽ hơn của các trường sư phạm, tránh tình trạng các trường phổ thông phải tự kiếm người như hiện nay.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-cho-dung-cho-mon-nghe-thuat-post691193.html