Tìm cơ hội trong thách thức
Dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều khó khăn cho hầu hết doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp này thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, cho ra đời các chiêu thức kinh doanh 'độc', 'lạ' để vượt khó vươn lên.
Phát triển thương mại điện tử
Dịch Covid-19 kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư, cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua cả nước có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp không còn tồn tại. Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cũng có nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với kịch bản “sống chung với dịch” để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Phương thức được nhiều doanh nghiệp triển khai để thích nghi, “vượt khó” chính là phát triển thương mại điện tử. Nguyên nhân để hình thức kinh doanh này phát triển mạnh một phần do tính chất lây nhiễm cao của vi rút SARS-CoV-2 và tính tiện lợi từ việc giao - đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh.
Bên cạnh đó, theo xu thế chung, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z - thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay, nên ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu.
Bà Lê Thị Ngọc Linh - CEO của thương hiệu thời trang IVY moda, cho biết: Làn sóng dịch Covid-19 lần này có ảnh hưởng khác hoàn toàn với các đợt dịch trước. Đó là sự ảnh hưởng dài và phức tạp. Vì thế, ban lãnh đạo doanh nghiệp đang giữ phương thức cân bằng động khi ứng phó với các vấn đề gặp phải.
“Với doanh nghiệp bán lẻ như IVY thì việc chuyển đổi số rất quan trọng. Năm ngoái, IVY có sự bứt phá mạnh về mảng online nhờ vào việc tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada” - bà Linh chia sẻ. Còn anh Nguyễn Văn Quyết, chủ cửa hàng cà phê Giảng (146 Yên Phụ, Hà Nội) khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh doanh online chính là phao cứu sinh cho cửa hàng để có thể tồn tại, duy trì kinh doanh”.
“Kinh doanh có ý thức”
Một phương thức mới hình thành giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn, đó là “kinh doanh có ý thức”. Theo nghiên cứu, người tiêu dùng sẽ thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp thế giới sạch và “xanh” hơn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh đang hoành hành. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường.
Tiêu biểu như mô hình dịch vụ xe điện chia sẻ công cộng của MBI. Vũ Thu Phương, nhân viên chăm sóc khách hàng của MBI khu vực Ecopark cho biết: “Dịch vụ xe điện chia sẻ công cộng của MBI đã triển khai được gần 1 năm nay tại Ecopark và đã phát huy được hiệu quả trong thời gian dịch bệnh. Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng MBI Sharing, sau đó nạp tiền vào tài khoản là có thể sử dụng số tiền đó để thuê xe theo lượt, theo nhóm hoặc khách hàng có nhu cầu sử dụng nhiều có thể thuê theo tháng. Đặc biệt, dựa vào bản đồ điểm đỗ xe trên App, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm chiếc xe đạp điện ở gần mình nhất, tận hưởng hành trình và trả nó về bất kỳ một điểm đỗ nào khác trong hệ thống. Dịch vụ xe đạp điện chia sẻ là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng dù là để đi học, đi chơi, đi siêu thị, đi đến các cuộc hẹn hay tham gia các hoạt động xã hội. Người sử dụng xe điện không cần tiếp xúc với người khác trong quá trình thuê xe - di chuyển - trả xe… Hơn nữa, các loại xe được triển khai trong dịch vụ xe công cộng đều là xe đạp điện nên rất thân thiện với môi trường”.
“Cửa hàng trong cửa hàng”
Ngoài các phương thức trên, có một hình thức “độc”, “lạ” mới xuất hiện, đó là mô hình “cửa hàng trong cửa hàng”. Thương vụ Masan mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage, cùng hợp tác phát triển mô hình ki ốt Phúc Long tại WinMart (còn được biết đến với cái tên trước đó là VinMart) mới đây là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng mô hình này. Với mô hình này, phía Phúc Long sẽ tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của WinMart, từ đó, Phúc Long có thêm thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ chính. Sự hợp tác này cũng có thể giúp WinMart thu hút thêm khách hàng từ nhiều phân khúc khác nhau, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Theo Colliers Việt Nam, mô hình này giúp các doanh nghiệp dùng các lợi thế của chính mình để bổ khuyết cho điểm bất lợi của đối tác và ngược lại. Trong trường hợp các cửa hàng Phúc Long không thể đón khách tại chỗ vì giãn cách xã hội, họ vẫn có thêm kênh tiêu thụ khác nhờ sự “chắp cánh” của hệ thống WinMart. Trong khi đó, WinMart lại ghi thêm điểm trong mắt các bạn trẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong “tệp” khách hàng của Phúc Long. Tương tự là việc PNJ phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora trong hệ thống cửa hàng của mình.
Hiện phương thức bán hàng đa kênh cũng được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, để tương tác với khách hàng tiềm năng ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp sẽ tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ - trang web e-commerce - trung tâm chăm sóc khách hàng - mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung. Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, mua sắm online dần phổ biến, việc áp dụng mô hình này cùng với việc chú trọng các kênh “digital” sẽ giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng hơn, tiếp cận và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Huy Khải, chủ shop thời trang trên phố Hoàng Như Tiếp (Long Biên) cho biết: “Phương thức bán hàng đa kênh phát huy được nhiều tác dụng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, khi truy cập trang web bán hàng, một khách hàng đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng nhưng chưa quyết định mua. Vài giờ sau, khi họ “lướt” Facebook, quảng cáo sản phẩm đó sẽ xuất hiện, “nhắc nhở” người này. Vậy là khả năng vị khách quay lại website bán hàng bấm nút “Mua ngay” sẽ cao hơn nhiều”.
Chuyển đổi để thích ứng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đó là cần đề cao vai trò sáng tạo, tự chủ.
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tại thời điểm này, vẫn chưa thể đoán định được khi nào chúng ta thoát khỏi sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Do đó, để ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Theo đó, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra... Ở một khía cạnh nào đó, khó khăn cũng chính là môi trường tôi luyện để mỗi tổ chức, doanh nghiệp tự tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm”.
Có thể thấy, đại dịch làm đảo lộn nền kinh tế nhưng cũng là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Những đơn vị nhanh nhạy, thích ứng và sáng tạo trong giai đoạn này sẽ có cơ hội để phát triển nhanh, bứt phá mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1020135/tim-co-hoi-trong-thach-thuc