Tìm đầu ra cho sản phẩm 'made in Quảng Nam'

Trong bối cảnh khó khăn chung, thời gian gần đây các cơ quan chức năng ở Quảng Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nỗ lực tìm thị trường cho sản phẩm 'made in Quảng Nam'.

Trăn trở đầu ra cho sản phẩm

Đại diện một cơ sở sản xuất bánh kẹo đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên chia sẻ, những năm trước đây sản phẩm bánh kẹo của cơ sở tiêu thụ khá mạnh, làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Song, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, sản lượng tiêu thụ tụt giảm mạnh, kéo theo đó, doanh thu cũng lao dốc. Một nguyên nhân là do công tác xúc tiến thị trường còn yếu.

Trên thực tế, năng lực tiếp cận thị trường còn hạn chế là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp rụt rè đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Dù vẫn biết, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, luôn là giải pháp hiệu quả để đưa sản phẩm đến tay các “thượng đế” cả trong lẫn ngoài nước, song, hiện nay do vấn đề kinh phí, nhân lực, công nghệ… nên tự thân nhiều doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, hợp tác xã khó lòng “rót tiền”, đầu tư cho xúc tiến thương mại được.

Thấu hiểu những khó khăn này, để giúp các cơ sở sản xuất, hợp tác xã… đồng thời thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa “made in Quảng Nam” ra thị trường, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, chế biến, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, thông qua việc trực tiếp tham gia các hội chợ thương mại, chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương cả trong lẫn ngoài nước.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xúc tiến thương mại tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng thị trường xuất khẩu. Công tác này cần có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên những mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề truyền thống có thế mạnh ở địa phương. Đồng thời, tranh thủ được các nguồn lực để thực hiện hiệu quả, tạo động lực cho phát triển thương mại ở Quảng Nam…

Quảng Nam đã và đang nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm ở địa phương

Quảng Nam đã và đang nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm ở địa phương

Tăng cường xúc tiến thương mại

Mới đây, Quảng Nam đã tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, văn hóa, ẩm thực, phát triển khởi nghiệp và một chương trình Lễ hội đồng hương Quảng Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình có nhiều hoạt động nổi bật như, hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam năm 2024; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của xứ Quảng và xúc tiến thương mại; hoạt động trợ giúp bà con đồng hương Quảng Nam ở phía nam… Đây là dịp để kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại, văn hóa, ẩm thực; phát triển khởi nghiệp Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khu vực phía Nam; mở ra cơ hội xuất khẩu, tìm thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Quảng Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở địa phương. Trong số đó, có thể kể đến như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO 2024 tại Hà Nội, Hội chợ công thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; Hội chợ triển lãm công thương - OCOP Thái Nguyên 2024, Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây-Đà Nẵng, Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm tiềm năng xuất khẩu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu được tổ chức tại Đà Nẵng…

Việc các cơ sở sản xuất được trực tiếp tham gia các sự kiện trên đã góp phần đẩy mạnh quá trình xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của Quảng Nam đến gần hơn với người tiêu dùng. Thông qua đó, còn tạo thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở địa phương, khi trực tiếp tiếp cận với nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Đồng thời, cũng để các cơ sở tiếp cận và làm quen với xúc tiến thương mại điện tử...

Theo bà Trần Thị Thúy Kiều, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Hồng An, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, cơ sở của bà có sản phẩm bột ngũ cốc Hồng An đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc tham gia các hội chợ đã giúp sản phẩm của cơ sở có dịp để quảng bá sản phẩm đến với nhiều người hơn. Hội chợ là nơi người tiêu dùng được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, các đối tác, khách hàng có thể tự tay cảm nhận, tạo điều kiện để cơ sở đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tiến, chủ hộ kinh doanh “Cô Một”, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình cho biết, với việc được tham gia các hội chợ, triển lãm trên cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các nhà cung ứng lớn, đã góp phần để cơ sở thu thập được nhiều thông tin về các thị trường để sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Đến nay, nhiều sản phẩm bột ngũ cốc “Cô Một” như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh hay trà gừng đã được thị trường đón nhận…

Được biết, từ nay đến cuối năm 2024, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại với nhiều hoạt động được tổ chức ở địa phương cũng như trong cả nước. Điều này, hứa hẹn tạo thêm điều kiện để nhiều sản phẩm của Quảng Nam tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường… Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam, qua các dịp tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất biết thêm về xu hướng tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là xu thế sản xuất xanh, bảo vệ môi trường... Từ đó, có kế hoạch và lộ trình, cách đầu tư sản phẩm để rộng mở thị trường xuất khẩu cũng như thị trường trong nước một cách bền vững, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tim-dau-ra-cho-san-pham-made-in-quang-nam-154010.html