Tìm điểm cân bằng hợp lý trong 'bất phương trình' xăng dầu
Nguyên nhân chính khiến thị trường xăng dầu gặp cảnh như vừa qua phải chăng là do giá, chi phí? Và liệu việc điều chỉnh chi phí sẽ giúp ổn định căn cơ thị trường xăng dầu?
Thấy rõ "gốc rễ"?
Khi phát biểu tại cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp xăng dầu với Bộ Công Thương ít ngày trước, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã nhấn mạnh đến yếu tố “dị biệt" của giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước. Mức biến động giữa các chu kỳ điều hành giá là rất lớn.
“Đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lỗ”, ông Bùi Ngọc Bảo nói. “Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng”.
Phát biểu của ông Bảo khá khái quát bức tranh thị trường xăng dầu trên thị trường hiện nay. Đến những “ông lớn” xăng dầu như Petrolimex cũng ước tính số lỗ 9 tháng lên tới 780 tỷ đồng cho dù sản lượng bán lẻ tăng 26% so với cùng kỳ. Càng bán càng lỗ là hiện trạng không chỉ của các doanh nghiệp đầu mối lớn mà cả của những đại lý bán lẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, tại cuộc họp gần nhất với lãnh đạo Bộ Công Thương, hầu hết doanh nghiệp đầu mối lớn cũng than rằng, các chi phí định mức đã lỗi thời nên doanh nghiệp càng bán càng lỗ, thậm chí lỗ triền miên.
Trong một cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ, việc doanh nghiệp lỗ khi thị trường biến động là bình thường. Nhưng thị trường xăng dầu Việt Nam lại chưa hoàn toàn theo thị trường, nên việc các doanh nghiệp xăng dầu bức xúc vì thua lỗ là có thể hiểu được.
Đến nay, Nhà nước vẫn tính toán “giá trần” trong mỗi kỳ điều hành, doanh nghiệp không được phép bán vượt mức giá trần này. Trong khi đó, công thức tính giá lại có những chỉ số được “đóng khung” suốt 8 năm nay như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi phí vận chuyển,... khiến mức giá trần có độ “lệch” nhất định với giá thị trường thế giới. Mức giá trần này lại được công bố dựa trên giá xăng dầu thành phẩm trung bình 10 ngày, khiến giá cả có sự "lệch pha" với thị trường thế giới.
Đó cũng là lý do khiến sau mỗi kỳ điều hành giá, dù tăng hay giảm, doanh nghiệp vẫn than lỗ và có tâm lý “e dè nhập hàng” như Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng như Bộ Tài chính nhiều lần phân tích.
Thực tế, tại hai cuộc họp gần nhất với lãnh đạo Bộ Công Thương, hầu hết doanh nghiệp đầu mối lớn cũng than rằng, các chi phí định mức đã lỗi thời nên càng bán càng lỗ. Thậm chí, các doanh nghiệp còn đề nghị, nếu không để giá xăng được theo thị trường thì cũng cần điều chỉnh rút ngắn thêm thời gian điều hành, dù cho quy định theo chu kỳ tính giá 10 ngày chỉ vừa áp dụng đầu năm nay theo Nghị định 95.
Chưa nên thả nổi giá xăng dầu
Nhưng liệu giá xăng dầu có thể thả nổi, để doanh nghiệp tự quyết như hầu hết mặt hàng khác hay không và như nhiều nước trên thế giới hay không?
Dù mong muốn điều này, nhưng một cán bộ làm công tác quản lý xăng dầu thừa nhận rằng bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa thể thả nổi giá xăng dầu. Lý do quan trọng nhất là thị trường xăng dầu chưa có sự cạnh tranh. Thị phần xăng dầu vẫn nằm trong tay một vài doanh nghiệp đầu mối lớn của Nhà nước và 1-2 đầu mối tư nhân.
Nếu để doanh nghiệp tự quyết giá thì sẽ có lúc người dùng phải trả một chi phí rất lớn cho mỗi lít xăng dầu. Câu chuyện giá xăng dầu 7 tháng đầu năm 2022 là điển hình. Nếu không có sự điều hành của Nhà nước thông qua giảm thuế, chi Quỹ bình ổn thì mức giá cho mỗi lít xăng sẽ không phải dừng lại ở mức đỉnh là 30.890 đồng/lít với xăng E5 và 32.760 đồng/lít với xăng RON95 (ngày 1/7).
Trong khi đó, pháp luật về xăng dầu còn rất nhiều quy định khiến việc gia nhập thị trường và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp đầu mối ngoài nhà nước gặp nhiều thách thức. Điều này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận là hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu, còn với Việt Nam, điều kiện gia nhập thị trường có nhiều yêu cầu cao.
Vì vậy, tiếp tục tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực này là điều cần thiết. Khi có cạnh tranh rồi, chúng ta hoàn toàn có thể để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu. Lúc ấy, người dùng xăng dầu sẽ thấy cảnh ở một ngã tư có nhiều cây xăng và mức giá ở mỗi cây xăng lại có sự khác biệt đáng kể. Đó mới là con đường cần phải đi chứ không phải là giảm các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như lãnh đạo một tập đoàn xăng dầu của Nhà nước kiến nghị.
Còn chừng nào thị trường xăng dầu của Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh, vẫn có các ‘ông lớn’ nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì chưa thể thực hiện thả nổi giá để doanh nghiệp tự quyết.
Khi đó, việc quản lý thị trường xăng dầu sẽ bằng dự trữ chiến lược, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn quy chuẩn,... thay vì quản lý bằng điều hành, cấp phép. Dần dần tư duy như các nước, kinh doanh xăng dầu không cần giấy phép, tự do xuất nhập khẩu để thị trường cạnh tranh hoàn toàn như xuất khẩu gạo (trước đây xuất khẩu gạo cần giấy phép - PV).
“Bình ổn thị trường cần theo hướng bằng dự trữ xăng dầu. Khi giá thấp thì anh mua xăng vào, khi giá cao thì anh bán ra”, một chuyên gia chính sách công góp ý.
Còn trước mắt, theo ông, các bộ và doanh nghiệp cần tính toán chỉnh sửa lại các quy định liên quan tính giá trần xăng dầu, để giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến giá cả so với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, giảm bớt các khâu trung gian trong phân phối xăng dầu. Hoặc giống như quy chế điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng có thể tính toán cho phép nếu giá xăng dầu biến động ở biên độ nào thì doanh nghiệp được tự quyết, bao nhiêu phần trăm thì Bộ, Chính phủ quyết.
Hành động sớm
Thực tế, ngay sau cuộc họp với các đầu mối lớn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thông báo điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước áp dụng từ ngày 11/10 trong giá cơ sở.
Cùng với đó, trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi đầu tuần, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở, nhằm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Điều này cho thấy, cơ quan nhà nước đã nhận thức rõ được những tồn tại của cơ cấu giá xăng dầu hiện nay cũng như những khó khăn các doanh nghiệp xăng dầu đang gặp phải. Khi các bộ, ngành cùng "xắn tay" phối hợp giải quyết những nút thắt như hiện nay, thì thị trường xăng dầu sẽ sớm ổn định, giúp doanh nghiệp vượt qua được các khó khăn trước mắt, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Cũng cần phải nói thêm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hôm 10/10 đã thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu mà 3 Đoàn Thanh tra của Bộ đã hoàn tất.
Hy vọng rằng, việc rà soát, thẩm định kỹ lưỡng này sẽ giúp Bộ Công Thương nhận diện chính xác các nguyên nhân, bản chất của những khó khăn vừa qua trên thị trường xăng dầu, từ đó, có các giải pháp để làm lành mạnh thị trường thiết yếu này, thực sự “truy tận gốc việc kêu thiếu xăng” như tuyên bố của Bộ trưởng khi quyết định lập các đoàn thanh tra hồi đầu năm.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/truy-tim-can-nguyen-thi-truong-xang-dau-bat-on-2070995.html