Tìm động lực cho tăng trưởng nông nghiệp châu Phi
Ngày 18-9, Diễn đàn Kinh tế thế giới về thu hẹp khoảng cách: Tài trợ cho tăng trưởng nông nghiệp của châu Phi sẽ khai mạc tại New York, Mỹ. Sự kiện do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao Na Uy đồng chủ trì.
Phối hợp ở cấp độ toàn cầu
Diễn ra bên lề lễ khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc, sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới về thu hẹp khoảng cách: Tài trợ cho tăng trưởng nông nghiệp của châu Phi sẽ tập trung thảo luận các biện pháp tài trợ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức tài chính phát triển, khu vực tư nhân với chính phủ châu Phi nhằm củng cố chuỗi giá trị lương thực ở châu Phi và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ.
Theo USAID, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Tổng thống Kenya William Ruto, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina và Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) Scott Nathan cùng đại diện của USAID và các nước châu Phi sẽ tham gia sự kiện.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các nước châu Phi đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường hợp tác và phối hợp ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia để giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Hiện châu Phi vẫn phải nhập khẩu lương thực ròng, mặc dù châu lục này có diện tích đất canh tác rộng lớn và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Việc không thể tự chủ về nguồn cung khiến vấn đề an ninh lương thực ở châu Phi luôn trong tình trạng hết sức mong manh. Có một thực tế là ở châu Phi dù có nhiều tiềm năng về tài nguyên và nguồn lực con người, nhưng nhiều quốc gia châu Phi luôn cận kề nạn đói, bởi xung đột, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nghèo nàn và tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tận dụng tiềm năng
Diễn đàn này được xem là một cơ hội nhằm tìm động lực thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp châu Phi. Theo giới chuyên gia kinh tế, việc khai thác và tận dụng các tiềm năng sẵn có, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông sản, có thể giúp châu Phi tự lực cánh sinh trong sản xuất lương thực.
Lợi thế của châu Phi là có diện tích chiếm 1/5 toàn cầu, dân số 1,4 tỷ người và vẫn đang tăng nhanh. Châu Phi sở hữu nguồn lao động dồi dào. Theo ước tính, vào năm 2040, cứ 3 người trên thế giới trong độ tuổi từ 15-24 sẽ có một người đến từ châu Phi. Nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 54 quốc gia tại đây tăng gấp rưỡi trong một thập niên qua.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp là nguồn sử dụng lao động và động lực kinh tế lớn nhất của châu Phi. Đây cũng được coi là “chìa khóa” để chuyển đổi ngành nông nghiệp tự cung tự cấp thành một ngành thương mại bền vững đủ sức nuôi sống lục địa này.
Chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp đã cung cấp cho 95% nông dân sản xuất nhỏ ở châu Phi cận Sahara khả năng tiếp cận hạt giống và phân bón, cung cấp dịch vụ khuyến nông và đào tạo, cung cấp dịch vụ vận chuyển cây trồng đến thị trường, xử lý thu hoạch, tiếp thị và phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp của châu Phi không thể tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng chính thức, điều này đã phần nào gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-dong-luc-cho-tang-truong-nong-nghiep-chau-phi-post705815.html