Tìm động lực mới cho TP.HCM

Các chuyên gia cho rằng chuyển đổi công nghiệp là cần thiết trong bối cảnh kinh tế TP.HCM đang suy giảm. Đây được kỳ vọng trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế TP.

 Chuyên gia cho rằng kinh tế phát triển theo chiều rộng đã không còn khả thi khi động lực tăng trưởng của TP.HCM dần cạn kiệt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chuyên gia cho rằng kinh tế phát triển theo chiều rộng đã không còn khả thi khi động lực tăng trưởng của TP.HCM dần cạn kiệt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại buổi họp báo thông tin về Diễn dàn kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 và Đối thoại hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 diễn ra sáng 12/9, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - nhận định các lĩnh vực, thế mạnh vốn là truyền thống của TP.HCM đã khai thác hết công suất.

Phân tích chi tiết hơn, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết dù TP vốn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ hàng đầu cả nước, nhưng vai trò trung tâm này chưa được phát huy xứng tầm và đang suy giảm.

Cụ thể, TP.HCM hiện có 300.000 doanh nghiệp, nhưng 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tỷ trọng xuất khẩu của TP giảm xuống chỉ còn 12% tổng xuất khẩu cả nước vào năm 2023. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế cũng giảm dần.

"Trong khi đó, diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt gần 6.000 ha, chỉ chiếm 2,81% so với cả nước. Do đó, kinh tế phát triển theo chiều rộng đã không còn khả thi khi động lực tăng trưởng dần cạn kiệt", ông nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - phát biểu tại buổi họp. Ảnh: FSC.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - phát biểu tại buổi họp. Ảnh: FSC.

Ngoài ra, ông Hòa còn chỉ ra rằng thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM không còn cao nhất cả nước, cho thấy những động lực cũ đã đến giới hạn. Ông khẳng định chuyển đổi công nghiệp là điều cần thiết và đây là động lực mới để phát triển kinh tế TP.

Theo đó, đại diện HUBA kỳ vọng Diễn đàn HEF lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển TP.HCM" diễn ra ngày 24-27/9 sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát hơn, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của mình.

Bên cạnh sự kiện HEF 2024, ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - cho biết TP.HCM cũng tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP.HCM (FD) lần thứ 2 diễn ra từ ngày 23 đến 24/9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”.

Theo ông, TP.HCM hiện có quan hệ hợp tác với 58 địa phương quốc tế. Tuy nhiên, TP chưa có sân chơi nào tạo ra khuôn khổ hợp tác. Do đó, năm 2022, thành phố đã tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần đầu tiên để đặt nền móng quan trọng cho sự kiện lần này.

Đại diện Sở Ngoại vụ tin rằng “Đối thoại Hữu nghị TP.HCM" lần thứ 2 sẽ tiếp tục là cầu nối giữa TP.HCM với các địa phương quốc tế kết nghĩa nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp chuyển đổi công nghiệp hướng tới việc phát triển bền vững.

Đồng thời, ông Bình An cũng nhấn mạnh rằng chuyển đổi công nghiệp là bước đi quan trọng hướng đến phát triển bền vững, với trọng tâm là giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ giúp TP.HCM đạt được mục tiêu net zero sớm hơn.

"Việt Nam đã cam kết đạt net zero vào năm 2050. Trong khi đó, nếu chuyển đổi công nghiệp thành công, TP.HCM có thể đạt mục tiêu sớm hơn nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế", ông nói.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/tim-dong-luc-moi-cho-tphcm-post1497336.html