Tìm động lực từ chính sách mới

Cùng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán, những chuyển động chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých cho thị trường nửa cuối năm.

Hệ thống giao dịch KRX dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Hệ thống giao dịch KRX dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Đi lệch khó vững

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.

“Quá dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất. Bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Quang trao đổi với báo giới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng.

Những “khác thường” trên thị trường tiền tệ hiện nay cho thấy cần thêm nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và huy động được các nguồn lực để trụ vững và có cơ hội phát triển trong tương lai. Đây cũng là những tế bào giúp nền kinh tế khỏe mạnh, tránh được bạo bệnh.

Thực trạng của thị trường tiền tệ hiện nay cũng được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, từ đó, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động bình quân 0,8%/năm, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 - 1,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới nhờ thanh khoản hệ thống rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 0,4%/năm và lãi suất 1 tuần chỉ còn 0,8%/năm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay ở mức 14 -15%, nhưng dư nợ tín dụng 6 tháng mới tăng 4,2%.

“Đúng ra khi lãi suất hạ, tín dụng sẽ tăng, nhưng vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh?”, Phó Thống đốc nêu vấn đề và cho rằng xuất phát từ ba nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, nên cầu tín dụng không thể tăng cao được.

Thứ hai, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.

Thứ ba, hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, nên không tiếp cận được vốn vay.

Trước những bất thường trên thị trường tín dụng, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tìm giải pháp gọi vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thông qua phát hành cổ phần. Những doanh nghiệp minh bạch, có dự án tốt, hoạt động hiệu quả không khó để huy động vốn trên thị trường chứng khoán với chi phí tối ưu so với các kênh gọi vốn khác.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn trung và dài hạn cần được ưu tiên. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là liên quan đến bốn vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.

Như vậy, đứng ở góc độ nào cũng thấy, giữ thị trường chứng khoán phát triển bền vững và ổn định, tạo một kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế là cần thiết. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán gần đây thu hút sự quan tâm trở lại của nhiều nhà đầu tư.

VNX và các công ty con dự kiến sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số...

VNX và các công ty con dự kiến sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số...

Giữ nhiệt bằng chính sách mới

Những thông điệp của cơ quan quản lý về các nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, triển khai hệ thống giao dịch mới KRX, về các hàng hóa mới trên thị trường được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Điều này thể hiện ở số lượt đọc tin tức, bài viết liên quan rất cao. Đây cũng là điểm các thành viên thị trường kỳ vọng có bước tiến mới từ cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Tất nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng có thêm sản phẩm mới là có thêm không gian cho thị trường phát triển. Đơn cử, chứng khoán phái sinh là công cụ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm hàng đầu khi họ vào Việt Nam để phòng hộ rủi ro trên thị trường cơ sở. Hay sản phẩm chứng quyền đã phát triển sau khi ra mắt và dần được nhà đầu tư biết đến nhiều hơn. Trong 4 năm qua, mỗi năm, thị trường có 8 - 10 công ty chứng khoán tham gia phát hành chứng quyền, với số mã chứng quyền cung ứng ra thị trường trung bình khoảng 200 mã/năm.

Nói về tiến độ dự án KRX, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, việc đưa hệ thống giao dịch mới này vào vận hành là ưu tiên hàng đầu của Sở. Hiện việc kiểm thử các hạng mục với công ty chứng khoán đang được triển khai, dự kiến hết năm nay, đầu năm sau có thể đưa vào hoạt động. Khi KRX đi vào vận hành, HOSE kỳ vọng, có thể triển khai nhiều sản phẩm giao dịch mới trên nền hệ thống công nghệ thông tin này như thanh toán T+0.

Đề cập đến cung hàng trên thị trường, theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), VNX và các công ty con sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số, quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán để xây dựng hệ thống chỉ báo nhất quán cho toàn thị trường.

Ngoài ra, VNX cũng sẽ nghiên cứu đề xuất nâng cao quy định về điều kiện niêm yết; bổ sung quy định các doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển từ thị trường UPCoM lên thị trường niêm yết để cải tiến tiêu chuẩn niêm yết theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu phương án phân loại các doanh nghiệp theo quy mô vốn, tình hình hoạt động, thanh khoản... vào những bảng khác nhau nhằm tạo sự khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp.

Hiện nay, thị trường chờ đợi Bộ Tài chính sớm công bố dự thảo và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Đây sẽ là căn cứ để cổ phiếu trên UPCoM, HNX đủ tiêu chuẩn được chuyển sang HOSE... Thực tế, các cổ phiếu chuyển sàn từ UPCoM, HNX sang HOSE thời gian qua cho thấy, giá và khối lượng giao dịch đều cải thiện. Thêm hàng hóa cũng giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn, giao dịch sôi động hơn.

Nêu thực tế cổ phiếu có giá trị giao dịch hàng ngày trên tổng vốn hóa lớn hơn 20% đang chiếm tỷ lệ lớn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, “thanh khoản cao, trong đó có chức năng đầu cơ là cần thiết, nhưng chức năng đầu tư cần được tăng cường”. Và để cải thiện chức năng đầu tư, qua đó phát huy vai trò kênh dẫn vốn trung, dài hạn của thị trường chứng khoán, minh bạch thông tin là yếu tố then chốt.

Ngoài ra, theo ông Thuân, cần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, bởi thực tế, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn trên sàn, lên tới 82,7%. Đồng thời, cũng cần cải thiện cơ cấu hàng hóa trên thị trường. Hiện nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm một tỷ lệ lớn về cả số lượng cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, do đó, tính đại diện cho nền kinh tế chưa cao.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Chính phủ đặt mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán các nước phát triển.

Để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện tốt nhiều nhóm giải pháp đề ra. Trong đó, một hệ thống các nhiệm vụ được xây dựng trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được Bộ Tài chính ban hành để triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chiến lược này.

Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính triển khai công tác xây dựng cơ chế chính sách thị trường chứng khoán, báo cáo xem xét sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thị trường chứng khoán gần đây có phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Tính đến cuối tháng 7, VN-Index đã tăng 16% so cuối năm 2022, quy mô vốn hóa thị trường đạt 64% so với GDP, cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và doanh nghiệp.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục quản lý và đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường, được coi là “từ khóa” quan trọng, để vừa nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, vừa đảm bảo nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường cần thêm sản phẩm mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt là sản phẩm hướng tới nhà đầu tư ngoại, được nhìn nhận là có dư địa và mối quan tâm lớn với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cá nhân tôi quan tâm tới sản phẩm NVDR (Non-Voting Depositary Receipt) - chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Đây là một loại chứng chỉ lưu ký đặc biệt, được phát hành bởi một tổ chức thứ ba gọi là tổ chức phát hành NVDR (một công ty con của sở giao dịch chứng khoán). Tổ chức này sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư tất cả quyền lợi tài chính gắn liền với cổ phiếu như cổ tức, quyền mua cổ phiếu mới…, ngoại trừ quyền biểu quyết (trừ trường hợp biểu quyết về vấn đề hủy niêm yết cổ phiếu).

Thực tế, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ, chỉ khoảng 182 tỷ USD (tính chung cả HOSE, HNX và UPCoM), trong khi giới hạn sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài phổ biến ở mức 49% tại các doanh nghiệp niêm yết, điều này khiến thị trường trở nên kém hấp dẫn và khó thu hút nguồn vốn lớn từ nước ngoài. Chúng tôi đánh giá tiêu chí tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc xem xét nâng hạng thị trường và NVDR có thể được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này.

NVDR sẽ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản. Thống kê giao dịch trên HOSE và HNX cho thấy, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện dao động từ 14 - 20% tổng giá trị giao dịch của hai sàn này, trong khi tại thị trường chứng khoán Thái Lan, chỉ tính riêng giao dịch của NVDR đã chiếm tới 21% tổng giá trị giao dịch của các chứng khoán niêm yết và chiếm gần một nửa tổng giá trị giao dịch của khối ngoại. Rõ ràng, việc giao dịch NVDR ở các cổ phiếu hết room ngoại tại thị trường chứng khoán Thái Lan là hết sức sôi động.

Một số nghiên cứu tại các thị trường chứng khoán khác trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc tự do hóa thị trường chứng khoán sẽ làm giảm đáng kể chi phí vốn của các doanh nghiệp niêm yết và giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường.

NVDR đã được đưa vào Luật Chứng khoán năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cho sản phẩm này.

Thủy Anh – Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tim-dong-luc-tu-chinh-sach-moi-post326858.html