Tìm 'đường tắt' công nghệ cho doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các giải pháp ứng dụng công nghệ web3 (thế hệ thứ ba của các dịch vụ Internet kết nối dữ liệu) được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi tính khả thi, chi phí tối ưu giúp DN tham gia 'trận đấu' công nghệ hiệu quả hơn.
Xu hướng công nghệ tương lai sẽ có sự dịch chuyển
Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Nhà lãnh đạo tiên phong (InnoEx Forum 2023) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, công nghệ là nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhanh và hiệu quả. Việc nắm bắt các xu hướng công nghệ là điều kiện sống còn trong xu thế cạnh tranh hiện nay.
“Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, áp dụng đúng cách" - ông Albert Antoine, chuyên gia từng cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và các doanh nghiệp châu Á cho biết. Theo ông Albert Antoine, để doanh nghiệp có thể tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc nắm bắt những xu hướng công nghệ mới, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ giá trị văn hóa cốt lõi của mình để thay đổi phù hợp.
Nhờ tận dụng ưu thế công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) với đặc tính mở, phân cấp và tính bất biến của dữ liệu cũng như kiến trúc của nó có thể loại bỏ khâu trung gian, sự kiểm soát của bên thứ 3 trong môi trường internet, Web3 hiện được xem là công cụ hữu ích để tạo điều kiện kiểm soát phân quyền giữa các bên liên quan: doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng, khách hàng với khách hàng… một cách hiệu quả, thay thế cho những hệ thống Web2 cục bộ, cồng kềnh hiện nay.
Từ năm 2022, phần lớn các công ty truyền thống lớn trên thế giới đã áp dụng các yếu tố Web3 kết hợp với những mô hình kinh doanh quen thuộc trong môi trường Web2 bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ thị trường tiền điện tử.
Những thương hiệu hàng đầu thế giới: McDonald's, Walmart… cũng đã xây dựng các chiến dịch tiếp thị mới thông qua trải nghiệm Web3 từ rất sớm để tương tác câu chuyện thương hiệu với khách hàng. Các ngân hàng lớn trên thế giới đã áp dụng DeFi trong phương thức thanh toán và quản lý ví, giao dịch tín dụng của khách hàng, tăng trải nghiệm người dùng với ngân hàng số trong thời gian gần đây.
Những giải pháp cơ bản của Web3 như: chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, thêm các cải tiến của chuỗi khối vào các dịch vụ, mô hình quản trị và quản lý tài chính tập thể…, được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trở thành xu hướng được các doanh nghiệp ứng dụng phổ biến trong thời gian tới.
Ông Cris D Trần- Chuyên gia chiến lược về Web3 từ Dự án Unicorn Ultra (U2U) nhận định, xu hướng công nghệ tương lai sắp tới sẽ có sự dịch chuyển lớn sang các giải pháp phi tập trung nhờ tính mở xuyên biên giới bên cạnh sức mạnh bảo mật dữ liệu riêng tư và khả năng tạo quyền truy cập trực tiếp đến với các bên có liên quan trong chuỗi vận hành một cách an toàn, được phân quyền rõ rệt và dễ dàng thao tác.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các xu hướng công nghệ mới
Theo các chuyên gia, Web3 sẽ phổ biến trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp bao gồm: các hoạt động chăm sóc khách hàng thông qua việc phát hành mã NFT (tài sản kỹ thuật số) định danh riêng; hay có thể tạo cổng kết nối các bên liên quan trong việc thực thi các chiến dịch truyền thông xã hội của doanh nghiệp, hoạt động từ thiện, khuyến khích trồng rừng bảo vệ môi trường…
Đại diện Dự án Unicorn Ultra cho biết, họ đang phát triển nền tảng blockchain riêng layer-1 (U2U Chain) có tốc độ xử lý giao dịch được cho là sẽ nhanh và an toàn hơn so với các blockchain hiện có trên thị trường. Hiện mạng thử nghiệm Testnest của blockchain này cũng đã khởi động một số ứng dụng cơ bản như ví, NFT, sàn thương mại điện tử… cho kết quả thu hút hàng trăm lượt người dùng tham gia.
Việt Nam là thị trường cởi mở và nhạy bén với những xu hướng công nghệ mới nổi, bên cạnh lợi thế về nhân công giá rẻ, tài nguyên, blockchain và Web3 hiện là một trong những công nghệ đang tạo sức ảnh hưởng lớn và thu hút nhiều nguồn lực.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực hơn để giúp doanh nghiệp blockchain đưa vào triển khai trong một số ứng dụng Web3 ở lĩnh vực logistics với những biện pháp quản lý các dấu hiện gian lận trong tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, hành lang pháp lý và những bước tiến công nghệ để tiến tới những giải pháp Web3 hoàn chỉnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn cần sự chung tay của cả một hệ sinh thái, trong đó bao gồm các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cùng xây dựng.
“Chúng ta cần sự kết hợp của tay chèo là cộng đồng doanh nghiệp và tay lái của nhà làm chính sách để đưa “chuyến tàu" đổi mới đến đích”- ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT & CEO Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh.