Tìm giải pháp bảo đảm an toàn cho xe công nông - Kỳ cuối: Dán phản quang để phòng ngừa tai nạn giao thông

Trong khi chưa tìm ra phương tiện thay thế hoàn toàn cho xe công nông, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu như: dán phản quang, lắp đèn chiếu sáng để góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông.

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho xe công nông

Thực tế là sau khi có lệnh “khai tử” với xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, để giảm bớt áp lực kinh tế cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 8-11-2007 và Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 về việc hỗ trợ kinh phí giúp nông dân thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp phương tiện thay thế xe công nông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại phương tiện hữu dụng nào thay thế xe công nông để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực đồi núi.

Do chưa có phương tiện thay thế nên xe công nông vẫn là sự lựa chọn của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M.P

Do chưa có phương tiện thay thế nên xe công nông vẫn là sự lựa chọn của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M.P

Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đều có địa hình nhiều đồi dốc nên sản xuất nông nghiệp có những điểm khác biệt so với các vùng miền khác. Để vận chuyển nông sản từ nương rẫy về nhà thì chưa có phương tiện nào thay thế được xe công nông. Do vậy, lực lượng chức năng đã nhiều lần họp bàn tính toán các giải pháp tối ưu nhất để kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến loại phương tiện này. Điển hình như tại thị xã Ayun Pa, lực lượng Công an đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân tham gia mô hình “Đèn chiếu sáng cho xe công nông”.

Thấy chúng tôi và một số cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) đến tổ 6 (phường Sông Bờ) tìm hiểu mô hình lắp đặt đèn chiếu sáng cho xe công nông, anh Nay Xoan liền nổ máy bật đèn chiếu sáng được gắn ở các vị trí trên xe. Anh Xoan vui vẻ kể: Trước đây, có những lúc chạy xe công nông từ rẫy về nhà vào buổi tối, anh thường dùng chiếc đèn pin đội trên đầu để soi đường. Với chút ánh sáng le lói, chiếc xe công nông như khối sắt di động vô hình trong đêm. Nhận thấy sự liều lĩnh của mình có thể gây ra tai nạn cho người khác nên khi lực lượng Công an vận động, dù gia đình đang rất khó khăn, anh vẫn bỏ ra hơn 1,4 triệu đồng để mua 5 bóng đèn led gắn trên xe công nông của mình.

Sau đó, anh Xoan được mời tham gia cùng tổ công tác của lực lượng Công an đến từng nhà vận động bà con lắp đèn chiếu sáng cho xe công nông. “Việc lắp đèn chiếu sáng cho xe công nông giúp các phương tiện khác nhận diện được xe phía trước để tránh TNGT có thể xảy ra, nhất là vào ban đêm. Lắp đèn chiếu sáng tuy có chút tốn kém nhưng hiệu quả mang lại rất thiết thực. Mong mọi người nhận thức được điều này, cố gắng lắp đặt đèn xe nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho mình và người khác”-anh Xoan nói.

Thiếu tá Đỗ Như Vũ-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) cho hay: Hầu hết bà con dân tộc thiểu số tại các thôn, buôn có điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy, việc vận động lắp đèn chiếu sáng cho xe công nông không thể thực hiện cùng lúc. Hơn nữa, việc này chỉ có thể triển khai hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các đoàn thể, đội ngũ già làng, người có uy tín. “Chúng tôi vừa tuyên truyền, nhắc nhở, vừa vận động để bà con hiểu được tầm quan trọng của việc này. Đến nay, 1.300 xe công nông trên địa bàn đã được lắp đặt đèn chiếu sáng. Chúng tôi tiếp tục rà soát, thống kê số xe có đèn nhưng đã hư hỏng trong quá trình sử dụng hoặc xe mới mua để vận động người dân thay thế, lắp mới đèn chiếu sáng”-Thiếu tá Vũ cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: “Việc cấm xe công nông lưu hành là cần thiết nhưng các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu để cho ra đời một loại xe có công năng, tác dụng như xe công nông, có giá cả phù hợp với đời sống người dân. Có một phương tiện thay thế xe công nông được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ thì khi ấy chắc chắn người dân sẽ tin dùng và việc cấm tuyệt đối xe công nông sẽ dễ thực hiện”.

Cùng với đó, lực lượng chức năng ở một số địa phương còn tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung nhắc nhở, xử lý chuyên đề về xe công nông vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Vinh-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm, đơn vị còn thông báo về địa phương để yêu cầu chủ phương tiện viết cam kết không tái phạm. Mặt khác, lực lượng Công an huyện còn thường xuyên phối hợp với Công an các xã, thị trấn đến từng nhà có xe công nông để tuyên truyền và dùng sơn đánh số thứ tự theo ký hiệu đối với từng địa phương, sau đó giao cho chính quyền xã và trưởng thôn quản lý, kiểm soát. Đồng thời, yêu cầu chủ xe cam kết không lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, không chở người, không chất hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông…

Một giải pháp mà nhiều năm nay các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nỗ lực triển khai là mở các lớp đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, giảm thiểu nguy cơ TNGT liên quan đến xe công nông. Một số cơ sở đào tạo lái xe đến tận vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh nhưng kết quả đào tạo và sát hạch chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân được cơ quan chức năng tỉnh quan tâm. Ảnh: M.P

Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân được cơ quan chức năng tỉnh quan tâm. Ảnh: M.P

Ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) cho biết: Đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyển sinh đào tạo lái xe hạng A4 được 4 khóa với 68 học viên. Sau khi tổ chức đào tạo, đơn vị tiến hành sát hạch cho 36 học viên khóa 1 và khóa 2. Kết quả, chỉ có 4/36 học viên vượt qua kỳ sát hạch. Theo ông Bảo, các học viên điều khiển phương tiện rất tốt nhưng nắm kiến thức chậm, tỷ lệ học viên không biết viết chiếm trên 50%. Đáng chú ý, sau khi nắm được thông tin về kết quả thi sát hạch thì người dân không còn mặn mà với việc học để được cấp giấy phép lái xe.

Còn theo ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Qua thống kê, tỉnh Gia Lai có khoảng 11.000 người dân có nhu cầu đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A4, trong đó, trên 60% là người dân tộc thiểu số. Tuy vậy, đến thời điểm này, Sở chỉ mới cấp, quản lý 132 giấy phép lái xe hạng A4. Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe đến tận các xã tuyển sinh, đào tạo miễn phí cho bà con nhưng mỗi năm, số lượng học viên được cấp giấy phép lái xe chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Dán phản quang để phòng ngừa tai nạn

Qua phân tích, hầu hết các vụ TNGT liên quan đến xe công nông đều xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân là do hệ thống đèn tín hiệu của loại xe này rất hạn chế khiến nhiều người không phát hiện được phía trước có xe công nông nên không kịp thời xử lý dẫn đến tai nạn. Để đảm bảo an toàn giao thông, Công an tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, đồng thời tiến hành dán phản quang trên tất cả xe công nông, máy kéo đang hoạt động.

Làng Bối (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) có 40 xe công nông đang hoạt động, hầu hết đều không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông. Để phòng ngừa rủi ro xảy ra, Công an huyện phối hợp cùng lực lượng Công an tỉnh đã tiến hành dán phản quang miễn phí trên xe công nông của người dân. Ông Siu Hmui phấn khởi nói: “Dán phản quang cho xe công nông là việc làm rất thiết thực. Nhất là lúc trời tối, khi có đèn rọi vào thì miếng dán phản quang sẽ tự phát sáng giúp người điều khiển các phương tiện khác nhìn thấy xe của mình để phòng ngừa, hạn chế TNGT”.

Công an xã Adơk (huyện Đak Đoa) dán phản quang miễn phí trên xe công nông của người dân. Ảnh: L.A

Công an xã Adơk (huyện Đak Đoa) dán phản quang miễn phí trên xe công nông của người dân. Ảnh: L.A

Trung tá Trương Thị Cẩm Dung-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Chư Păh) thông tin: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an huyện đã hỗ trợ dán phản quang cho 1.000 xe công nông, đạt hơn 90% số xe công nông của địa phương. “Việc dán phản quang cho xe công nông được đơn vị triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, miếng dán phản quang bị rơi khỏi xe hoặc hư hỏng nên chúng tôi hướng dẫn người dân dán lại, đồng thời kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Nhờ vậy, số vụ TNGT liên quan đến phương tiện này đã được kéo giảm”-Trung tá Dung cho biết.

Huyện Đak Đoa có hơn 6.000 xe công nông, tập trung chủ yếu tại các xã: Adơk, Glar, Ia Băng và Nam Yang. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Vinh cho hay: Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hàng năm, lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp được hơn 50 triệu đồng để tiến hành dán phản quang cho xe công nông. Từ đầu năm đến nay, hơn 2.000 xe công nông đã được dán phản quang. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ dán hết số xe còn lại. Đồng thời, địa phương còn vận động người dân khi đi làm bằng xe công nông nên trở về nhà trước 17 giờ.

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Đình Sơn nhấn mạnh: Giải pháp tối ưu hiện nay là lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung chuyên đề xử lý xe công nông vi phạm khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là hành vi chở người phía sau thùng xe. Mặt khác, thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh để bà con sử dụng xe công nông đảm bảo các điều kiện về an toàn giao thông, bố trí đèn, còi, dán phản quang để dễ dàng phát hiện và nhận diện phương tiện đang lưu thông trên tuyến đường, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra TNGT.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tim-giai-phap-bao-dam-an-toan-cho-xe-cong-nong-ky-cuoi-dan-phan-quang-de-phong-ngua-tai-nan-giao-thong-post284420.html