Tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến ngày 10-4 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ÐTC), bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ảnh hưởng của dịch bệnh đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách với đất nước.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến ngày 10-4 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ÐTC), bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ảnh hưởng của dịch bệnh đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách với đất nước.
Nếu không có ngay những biện pháp hữu hiệu có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn cho xã hội, thậm chí là nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng âm. Chính vì vậy, Hội nghị phải tập trung thảo luận để ban hành được một Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Cùng với đó là quyết tâm hành động nhanh, càng sớm càng tốt để ngăn chặn dịch hiệu quả, giảm những tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội.
Dồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là khác nhau. Chỉ cần một vài quốc gia còn dịch, chính sách phòng vệ vẫn tiếp tục thì việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cấp bách ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, trong đó tập trung tiếp tục giảm chi phí SXKD; giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực;... Các bộ, cơ quan T.Ư theo chức năng nhiệm vụ được giao cũng đang khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Tài chính, Ðinh Tiến Dũng, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) từ ngày 1-7. Dự kiến áp dụng thuế suất từ 15 đến 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập DN trong hai năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, siêu nhỏ hoặc thành lập mới từ hộ kinh doanh. Trường hợp thực hiện từ tháng 7 tới, dự kiến sẽ có khoảng 700 nghìn DN (chiếm 93% tổng số DN) được hưởng lợi, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 7.800 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, từ đó sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó khoảng một triệu đối tượng không còn phát sinh thuế. Người lao động giữ được thêm khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng để chi tiêu trong năm 2020. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất việc miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và DN, hộ gia đình thành lập mới trong năm đầu; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% phí công bố thông tin DN; giảm 50 đến 70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính;... Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 là khoảng 500 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, những khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động thu, chi NSNN. Tuy nhiên, trong điều kiện cần thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho DN và người dân, Việt Nam vẫn giữ chi đầu tư phát triển cùng các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội. Cụ thể, sẽ dành khoảng 36 nghìn tỷ đồng từ NSNN để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hay thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống thấp nhất; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Ngoài ra, NSNN còn chủ động bố trí nguồn lực để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực) để hỗ trợ kịp thời người dân ở các khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm không ai bị đói.
Cùng chung sức chống dịch bệnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% so với thời điểm trước dịch. Thời gian tới, NHNN tiếp tục khẩn trương hướng dẫn triển khai các giải pháp liên quan đến ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân, DN sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành. Trong đó, đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giảm lãi suất vay hộ nghèo và một số đối tượng chính sách. Dự kiến mức giảm từ 10 đến 15% đối với một số chương trình cho vay, thời gian giảm lãi vay dự kiến từ ngày 1-4 đến 31-12, tổng số lãi giảm hơn 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn ưu tiên bố trí khoảng 28 nghìn tỷ đồng (từ một số chương trình chưa cấp thiết, nguồn vốn huy động,…) để sẵn sàng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch.
Quyết tâm giải ngân hết 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công
Một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay để duy trì đà tăng trưởng là tập trung giải ngân vốn ÐTC. Hiện tổng vốn ÐTC được phép thực hiện trong năm 2020 khoảng 700 nghìn tỷ đồng (gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019). Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ÐTC đã được đề ra. Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn ÐTC năm 2020; chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình, kết hợp các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Các đơn vị cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm tiến độ để chuyển sang các dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt hơn. Trong tháng 9, tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, ngành và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2020 của những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với một số dự án cụ thể, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc bắc - nam phía đông từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang ÐTC; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiếp đó, hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới các dự án này ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện các dự án đường lăn và cất hạ cánh hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo quy định. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng cam kết bảo đảm đủ nguồn, đáp ứng kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ ÐTC. Bộ đề nghị cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn. Kết thúc năm, trường hợp vốn đầu tư vẫn chưa giải ngân hết sẽ bị hủy bỏ để giảm bội chi NSNN.
Cũng tại Hội nghị, nhiều địa phương trên cả nước đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho biết, hiện số vốn ÐTC còn lại năm 2020 cũng như dồn từ kỳ trước của thành phố là khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách của thành phố dự kiến có thể sụt giảm từ 10 đến 12 nghìn tỷ đồng, Hà Nội vẫn quyết tâm không cắt giảm ÐTC, tiếp tục bám sát mục tiêu giải ngân và bù lại bằng cách sẽ giảm thêm 5% chi phí chi thường xuyên sau khi đã cắt giảm 10% so với mức dự đoán trước đây. Thành phố đề xuất với Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm giúp giảm hàng trăm ngày theo quy trình; chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định số 63/2017/NÐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng cùng những vấn đề liên quan.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ: Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay, thành phố đề nghị Thủ tướng cho thí điểm chuyển đổi Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND các quận, huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất; xem xét việc thẩm định phương án sử dụng đất của các DN cổ phần hóa theo quy trình chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; giải quyết vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, Huỳnh Ðức Thơ, Ðà Nẵng có đặc thù là kinh tế phụ thuộc hơn 60% vào các ngành dịch vụ, nhất là du lịch vì vậy chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, khiến tăng trưởng quý I của thành phố chỉ đạt 1,52% (cùng kỳ đạt 6,42%). Do đó, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận các nguồn vay khác trong trường hợp nguồn thu và các khoản cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản không bảo đảm.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cộng đồng DN sẽ được tổng hợp, xem xét để đưa vào Nghị quyết. Chính phủ sẽ sớm có văn bản trả lời 91 kiến nghị của địa phương để tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương thực hiện. Một Nghị quyết mới của Chính phủ mang hơi thở cuộc sống, ý chí cách mạng của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị sẽ được thể hiện ngay sau hội nghị này. Cả hệ thống chính trị cần cùng chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện các giải pháp sẽ có trong Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ diễn ra ở một số nơi vừa qua. Cùng với đó, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần "biến nguy cơ thành thời cơ" trong cơ cấu lại nền kinh tế với những giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng DN. Với khí thế và quyết tâm mới, chắc chắn sẽ đưa đất nước vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống người dân và ổn định xã hội; bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.