Tìm giải pháp cho ngành có khả năng sớm phục hồi, dẫn dắt nền kinh tế

Ngày 25/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ'.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phan Chí Hiếu; Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Phạm Minh Tuấn; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các trong hệ thống chính trị.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới, trong nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều biến động khó dự báo.

Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số vấn đề về định hướng giải pháp tổ chức thực hiện để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thảo luận, phân tích làm sâu sắc hơn.

Về tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, phân tích kỹ hơn các nhiệm vụ, giải pháp góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực kinh tế; bảo đảm sự ổn định, cân bằng, các kích hoạt tích cực trên các thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Đặc biệt, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tập trung ưu tiên những giải pháp không chỉ nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn tạo nền tảng cho giai đoạn bứt phá tiếp theo, nhất là khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng lấy khoa học công nghệ làm động lực, lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng.

“Biện pháp cụ thể trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công thông qua tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, trong đó cần phải tính đến những ngành, lĩnh vực có khả năng sớm phục hồi và dẫn dắt nền kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể để tiếp tục khuyến khích, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư chiến lược” – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Về bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất các biện pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện thật tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị mất việc làm và các doanh nghiệp gặp khó khăn; các chính sách an sinh xã hội, và chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Đối với hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh việc phải tiếp tục có những đột phá thật sự để tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhất là về: phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực, cơ chế hợp tác công - tư, sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)…

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Gợi mở thảo luận về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là nội dung được coi là điểm mới của Văn kiện Đại hội XII, tiếp tục được đẩy mạnh ở Đại hội XIII, thể hiện trong văn kiện của Đại hội.

“Phải gắn công tác xây dựng Đảng với đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Tiếp tục đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Tham luận và phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có những đánh giá khách quan, toàn diện, tác động nhiều chiều đối với kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ, trong đó có minh chứng sinh động từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tại các địa phương, các ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập những nguyên nhân, hạn chế, điểm nghẽn trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm nửa nhiệm kỳ vừa qua.

Từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung đề xuất, lý giải những giải pháp quan trọng, cơ bản để trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ sẽ thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra trong các lĩnh vực: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; (3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; (4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đánh giá vai trò quyết định của hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, gợi mở những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, các ý kiến tham luận và phát biểu đã đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh giai đoạn mới. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập của Việt Nam.

Trong phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu nêu ý kiến về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh…

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, các tham luận, các ý kiến trao đổi đều coi trọng sự chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân dân, thành công của Hội thảo sẽ góp phần tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để từ đó tạo ra những đột phá quan trọng hơn nữa, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước ta, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII cho đến hết nhiệm kỳ.

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-cho-nganh-co-kha-nang-som-phuc-hoi-dan-dat-nen-kinh-te.html