Tìm giải pháp cho trật tự vỉa hè: Vỉa hè đô thị - nguồn vốn xã hội to lớn
Chính quyền đô thị không chỉ là tổ chức bộ máy phù hợp với đời sống và sự phát triển của đô thị, mà trước hết là thấu hiểu đối tượng mình phục vụ để quản lý bằng khoa học và sự nhân văn
Đô thị là một không gian giới hạn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành phần dân cư đan xen, nương nhờ vào nhau và có khi mâu thuẫn với nhau trong việc sử dụng không gian công cộng. Chức năng, vai trò của chính quyền thể hiện qua chính sách và phương thức thực hiện của nhà quản lý là nhằm điều tiết các quyền lợi và nghĩa vụ đó, sao cho có sự công bằng tương đối cho các bên liên quan.
Bộ máy quản lý đóng vai trò quan trọng
Nhiều TP trên thế giới đã cho thấy những lợi ích to lớn cho xã hội, cho cộng đồng từ việc quản lý và sử dụng vỉa hè. Bangkok - Thái Lan là TP có hơn 10 triệu dân và hàng triệu lượt du khách, từ vài chục năm nay đã phát triển phương tiện giao thông công cộng nhưng lượng xe cá nhân cũng không ít, chưa kể những phương tiện dịch vụ nhỏ như xe tuk tuk...
Bangkok rộng lớn với nhiều trung tâm, nơi nào cũng nườm nượp người đi bộ trên vỉa hè. Nhưng vỉa hè ở đây còn phục vụ việc mua bán, ăn uống, tham quan du lịch… được tổ chức khoa học và theo quy tắc luật lệ nghiêm minh: có giới hạn một phần vỉa hè cho hàng quán "mặt tiền" sử dụng, hàng rong ăn uống bán theo giờ nhất định và bảo đảm vệ sinh môi trường, vẫn có những đoạn vỉa hè cho xe máy, xe tuk tuk đậu lại. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí cấm buôn bán.
Vì vậy, Bangkok có một nền "kinh tế vỉa hè" phong phú, đa dạng, sinh động nhưng trật tự, ngăn nắp, tuân thủ pháp luật. Nếu sự "phong phú, đa dạng, sinh động" là đặc tính vốn có của hoạt động kinh tế - văn hóa thì sự "trật tự, ngăn nắp, tuân theo pháp luật" có được là nhờ vai trò của bộ máy quản lý đô thị.
Trong khi giao thông công cộng chưa phát triển, xe cá nhân còn phổ biến, cần tổ chức các khu vực gửi xe máy, xe hơi bằng việc dùng một số đoạn vỉa hè mà lưu lượng người đi bộ không lớn làm nơi giữ xe, tránh việc giữ/gửi xe tự phát trước các hàng quán hoặc để tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Nhiều TP của Trung Quốc đã tổ chức như vậy.
Nên cho người dân thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, nhất là những hộ có mặt tiền. Ở nhiều TP, hàng quán bày bàn ghế trên vỉa hè trong một phạm vi nhất định, căn cứ vào đó thu phí sử dụng vỉa hè và thuế kinh doanh. Những vỉa hè rộng mà lối cho người đi bộ chỉ cần khoảng 2 m là đủ, phần trống 3-5 m còn lại nên cho thuê và tổ chức quy củ để người kinh doanh tuân thủ, luôn ngăn nắp trong việc mua - bán. Khu phố cổ ở Hà Nội đã thực hiện việc kẻ vạch để xe máy trên vỉa hè từ nhiều năm qua.
Tổ chức lại hàng rong theo khu vực, theo giờ và một số quy tắc nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm nhưng không cần phải "đồng phục" hàng quán. Đa dạng các loại hình xe đẩy, gánh hàng... là việc của người buôn bán; việc của nhà quản lý là sắp xếp, tổ chức quy củ, công minh và công khai. Bên cạnh đó, không nên, không thể triệt tiêu việc bán - mua hàng rong. Với phần lớn người bán hàng rong khác không có điều kiện vào bán tại những khu vực quy định, cần vận động tuyên truyền để họ có ý thức và tuân thủ quy tắc trật tự đô thị, đồng thời cũng có biện pháp xử phạt nếu vi phạm.
Tuy nhiên, biện pháp này nếu bị lạm dụng thì không có hiệu quả, thậm chí tác dụng ngược lại. Vì vậy, trên hết vẫn là nhận thức và ý thức của bộ máy quản lý và thực thi nhiệm vụ, từ chính quyền địa phương phường, quận đến người kiểm tra giám sát từng khu vực, từng con đường. Cần công tâm, công bằng, nắm vững nguyên tắc không tùy tiện, giải quyết sự việc bằng sự tôn trọng pháp luật và người dân...
Giải quyết hài hòa những "mâu thuẫn"
Cách đây vài năm, TP HCM có cuộc ra quân lập lại trật tự vỉa hè bằng biện pháp khá cứng rắn: đập bỏ những công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, kể cả những mái hiên có thể che mưa nắng cho người đi bộ, dẹp toàn bộ hàng rong và hàng quán bày bàn ghế ra vỉa hè... Tuy nhiên, sau vài tháng, tất cả lại như cũ. Đó là vì những hành động "quyết liệt" chỉ nhằm triệt phá cái ngọn mà không giải quyết từ gốc, dùng thế lực của chính quyền và những biện pháp thuận lợi cho "nhà quản lý" và đẩy mọi khó khăn về phía người dân.
Quản lý và quản lý đô thị là một khoa học, vì vậy điều quan trọng và đầu tiên là cần nhận biết tính quy luật của sự việc, hiện tượng cùng với nguyên nhân của nó, từ đó mới có thể giải quyết tận gốc. Quản lý theo kiểu "thực trạng và giải pháp" dẫn đến những "phong trào, chiến dịch, ra quân", là tư duy và tác phong thời chiến trở thành công cụ quản lý xã hội trong thời bình.
Chưa kể nguyên nhân sâu xa: Trung tâm TP vốn được quy hoạch và xây dựng mang chức năng khu vực công quyền, dịch vụ và thương mại. Trước đây, số lượng người và các nhu cầu khá phù hợp với chức năng của khu vực. Việc chuyển đổi công năng của nhiều công trình ở đây sang nhà ở, phát triển nhiều tòa nhà cao tầng đã thu hút số lượng lớn người đến đây, giao thông không đáp ứng được, mạng lưới dịch vụ cũng tăng theo một cách tự phát, phá vỡ sự "cân bằng" trong không gian đô thị.
Sẽ tốt hơn nếu chính quyền sớm có chính sách giải quyết hài hòa những "mâu thuẫn" trên vỉa hè để TP sạch đẹp và trật tự, quyền lợi các bên cũng được đáp ứng: Nhà nước có nguồn thu, hộ kinh doanh có việc làm để tăng thu nhập và người dân vẫn được thụ hưởng các dịch vụ trên vỉa hè. Chính quyền đô thị không chỉ là tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với đời sống và sự phát triển của đô thị, mà trước hết là thấu hiểu đối tượng mình phục vụ để quản lý bằng khoa học và sự nhân văn.
Giải quyết vấn đề từ nguyên nhân
Nên tiếp cận vấn đề sử dụng vỉa hè một cách hợp lý và từng bước sắp xếp lại theo luật pháp, không nên đặt ra sự cấm đoán hay dẹp bỏ những sinh hoạt đô thị trên vỉa hè. Như vậy là giải quyết vấn đề từ nguyên nhân, phù hợp quy luật của đô thị, lại có thêm nguồn thu để duy tu sửa chữa và quản lý hoạt động trên vỉa hè. "Vốn xã hội" từ vỉa hè sẽ ngày càng tích lũy và tăng cao, trong đó có cả nguồn vốn kinh tế và văn hóa.