Tìm giải pháp chống hỗn loạn giao thông trên đỉnh đèo Hải Vân
Trước thực trạng bát nháo giao thông tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, ngày 21-3, đoàn công tác của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm lực lượng Công an, Cảnh sát giao thông (CSGT), Ban An toàn giao thông (ATGT) và chính quyền địa phương quận Liên Chiểu, huyện Phú Lộc đã có chuyến 'vi hành', kiểm tra thực tế để bàn giải pháp ổn định tình hình. Ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng…
Thực tế rất quan ngại
Đà Nẵng và Huế đang bước vào mùa du lịch nên lượng khách đến tham quan du lịch rất đông. Trong số đó, số khách di chuyển lên đỉnh đèo Hải Vân thăm thú cũng nhiều. Theo chân đoàn công tác có mặt tại khu vực đỉnh đèo lúc 9 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy, chỉ trong vòng 30 phút “mục sở thị” tại đoạn đường cạnh Khu di tích Hải Vân Quan, có tới hơn 100 xe ô-tô cá nhân, xe du lịch đậu đỗ quanh khúc cua tiếp giáp 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Trong đó, có nhiều xe đậu đỗ vô tổ chức, đỗ lâu để hành khách tham quan, chụp ảnh, mua hàng lưu niệm gây mất TTATGT tại tuyến đường này, dù có các lực lượng chức năng đang kiểm tra thực tế tại đây. CBCS Công an, CSGT phải lui tới nhắc nhở, tuyên truyền để lái xe chấp hành tốt hơn.
Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng trao đổi: Tình trạng TTATGT tại đỉnh đèo Hải Vân đang rất quan ngại, tồn tại nhiều bất cập cần phải có ngay những giải pháp để kịp thời tháo gỡ, bằng không nguy cơ gây TNGT khó tránh khỏi. “Bên cạnh đậu đỗ xe vô phép tắc của lái xe khi chở người đến tham quan di tích, khúc cua giữa đỉnh đèo không hề có biển báo cấm đậu đỗ xe. Mặt khác, đường cua nguy hiểm, nhưng lại kẻ vạch đường đứt, đồng nghĩa với việc cho phép xe được vượt, rất nguy hiểm nếu tài xế từ 2 hướng lên đỉnh đèo di chuyển với tốc độ cao, dễ gây tai nạn” – Đại tá Truyền nói, đồng thời thông tin thêm, khu vực đỉnh đèo đang là nơi dễ xảy ra những vụ việc gây mất ANTT. Mới đây thôi, 2 nhóm thanh thiếu niên do có hiềm khích khi đi tham quan đèo đã sử dụng hung khí tự tạo, mã tấu đe dọa nhau. Hiện cơ quan Công an đang điều tra để xử lý.
Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Huyền – giảng viên một trường đại học từ Hà Nội đưa sinh viên (SV) đến đỉnh đèo tham quan sáng 21-3 cho biết, chị thường xuyên đưa SV vào Đà Nẵng, Huế tham quan và hay đến đỉnh đèo để các em thưởng ngoạn Hải Vân Quan hùng vĩ. Mỗi lần đến chị đều thấy lo ngại về ATGT nên thường xuyên tuyên truyền để các em SV chú ý cẩn thận. Theo chị, không chỉ lo về tình trạng đậu đỗ xe bát nháo, mà ngay khúc đường nơi các cửa hàng buôn bán giải khái, đồ lưu niệm đối diện Khu di tích Hải Vân Quan các cơ quan chức năng cũng không hề kẻ vạch dành cho người đi bộ qua đường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mặt khác, do không có biển cấm đậu đỗ xe nên mạnh ai nấy đỗ, thậm chí có xe đỗ giữa đường, che khuất tầm nhìn cho phương tiện khách, mất ATGT.
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Đèo Hải Vân là một trong những đỉnh đèo nổi tiếng tại Việt Nam. Đèo cao gần 500m so với mực nước biển, nối liền tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Nơi đây có nhiều khúc cua hiểm trở, từng là "điểm đen tai nạn". Tuy nhiên, nhiều du khách lại chọn khúc cua để trải nghiệm, ngắm cảnh và chụp hình. Hiện đang vào mùa du lịch nên tình hình TTATGT tại đây khá bất ổn khiến các ngành chức năng 2 địa phương lo lắng.
Tại buổi kiểm tra thực tế, Trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng và Trưởng Phòng CSGT – CA tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Để ổn định tình hình, trước mắt cần phải có phương án tổ chức giao thông tại khu vực một cách bài bản, không thể để tài xế xe cá nhân, xe du lịch đậu đỗ vô tổ chức khu vực giữa đỉnh đèo. Đi vào cụ thể, cần thiết phải làm ngay việc lắp biển cấm đậu đỗ xe; kẻ vạch liền trên đoạn đường nhằm cảnh báo xe cấm vượt và kẻ vạch dành riêng cho người đi bộ. Bởi khi Khu di tích đang thời điểm trùng tu sắp tới đi vào hoạt động, khách khi đến đây sẽ qua lại hai bên đường nhiều. Cần phải lắp đặt camera để xử lý những phương tiện vi phạm nhằm răn đe, tránh nhờn luật.
Cùng với đó, theo Trung tá Nguyễn Hoàng Kiên - Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), giải pháp trước mắt cần phải thực hiện đóng hộ lan (có chừa cổng vào để xe tạm thời) ở khu vực trước nơi buôn bán của 12 hộ dân đang kinh doanh ăn uống, bán đồ lưu niệm, và nên quy định chỉ cho các loại xe dưới 29 chỗ đậu đỗ phục vụ khách tham quan. Đại diện các cơ quan chức năng 2 địa phương cũng đề xuất, cần tính toán lại việc đăng ký kinh doanh, quy hoạch lại bài bản hơn những cửa hàng buôn bán nơi đây để quản lý, có chế tài. Bởi tất cả các hộ từ xưa tới nay đến buôn bán đều là tự phát. Nhiều lúc giành khách với nhau dẫn đến gây mất ANTT.
Về lâu dài, đại diện hai địa phương cũng thống nhất sẽ có kiến nghị, đề xuất cần khảo sát xây dựng các bãi đỗ xe phía Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng phía dưới gần khu đỉnh đèo (nơi không vi phạm hành lang ATGT), sau đó khách tham quan di chuyển bộ lên đỉnh. Chỉ có phương án này mới giảm tải phương tiện đậu đỗ trên đỉnh đèo, gây hỗn loạn giao thông, nhất là khi Khu di tích đưa vào hoạt động lại phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, sau chuyến khảo sát này, các lực lượng của 2 địa phương thống nhất sẽ có biên bản ghi nhớ các nội dung đã thống nhất để báo cáo, trình Ban ATGT TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cấp có thẩm quyền, sau đó cùng nhau triển khai thực hiện quy chế phối hợp, góp phần đảm bảo tốt nhất tình hình TTATGT, ANTT khu vực đỉnh đèo.