Tìm giải pháp đảm bảo chỗ ở, nhà ở an toàn cho công nhân
Những nguy cơ mất an toàn nào đang rình rập các khu nhà trọ công nhân? Cần giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở, chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân? Đó là những vấn đề được bàn bạc tại buổi tọa đàm với Chủ đề 'Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động' do Báo Kinh tế và Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức ngày 24/9.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Những cống hiến thầm lặng" mùa 3. Buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, góp thêm tiếng nói góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thúc đẩy giải pháp đảm bảo chỗ ở an toàn cho người lao động
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Thời gian qua, Báo Kinh tế và Đô thị đã có nhiều hoạt động, nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến nhà khoa học chia sẻ, đề xuất giải pháp về các vấn đề an sinh xã hội. Thông qua các ý kiến đã cung cấp cho chúng ta bức tranh tổng thể về các vấn đề an sinh xã hội.
Thực tế Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với vai trò của mình, báo chí cũng cần có thay đổi để đưa ra hướng truyền thông hiệu quả. Vì vậy, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề thứ 4 với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.
Đây là chủ đề hết sức có ý nghĩa, vừa có tính thời sự vừa lý luận để giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội đang đặt ra, trong đó, có vấn đề thiết thân với người lao động đang hàng ngày lao động đóng góp cho quê hương, tổ quốc”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tổ chức hy vọng thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực với góc nhìn mới, các nhà báo tham dự Tọa đàm sẽ có góc tiếp cận mới để giúp các cơ quan chức năng có góc nhìn mới nhằm làm tốt việc truyền thông chính sách, từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân để đảm bảo cho người lao động có chỗ ở an toàn, có điều kiện để tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc.
Tại buổi Tọa đàm, đại biểu tham dự cùng các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, trao đổi làm rõ 3 vấn đề: Những nguy cơ thiếu an toàn đang rình rập ở những khu nhà trọ công nhân; từ vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân, đâu là giải pháp để quản lý các chung cư mini đang nở rộ hiện nay không?; Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, để thực hiện mục tiêu này chúng ta cần phải làm gì?.
Dưới góc độ của người góp ý xây dựng và thực thi pháp luật, hay góc độ các cơ quan thực hiện, cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội bất động sản Việt Nam… cần làm gì để biến ý tưởng thành hành động, giúp mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt được hiệu quả cao?
Nhu cầu về nhà ở của công nhân là cấp thiết
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là nhu cấu cấp thiết và chính đáng; cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích.
Hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch việc sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.
Đối với những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ thì các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc quản lý nên giao cho phường và quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G, việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân. "Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, thể lụp xụp mãi được. Công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo môi trường, nơi ở đảm bảo môi trường sống cho công nhân".
Bày tỏ quan điểm về quy định việc phát triển nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm phục vụ công nhân, chuyên gia và người lao động, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII cho rằng, quy định mới này sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế. "Tôi cho rằng luật hóa là cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi đi các nước và thấy họ thuê nhà nhiều hơn mua. Chúng tôi ủng hộ quan điểm thuê nhiều hơn mua".
Đồng hành để công nhân có chỗ ở
Về đề án 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, theo PGS.TS Bùi Thị An đây là đề án khả thi. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần sớm có kế hoạch cụ thể, đồng hành với anh chị em công nhân ở để họ có chỗ ở và yên tâm làm việc.
Cũng xoay quanh đề án nay, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành cần xem xét, có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, về quỹ đất, có địa phương có quỹ đất đủ để thực hiện, có địa phương không có, do đó rất cần Trung ương đứng ra điều tiết, để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở Đề án đặt ra.
“Là một trong những đối tượng được Chính phủ giao thực hiện Đề án, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có đề xuất sửa đổi quy định pháp luật; đồng thời đã tiết giảm, thành lập quỹ để phát triển nhà ở cho công nhân. Theo định hướng, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thực hiện xây dựng nhà ở chỉ dành để cho thuê. Đây cũng là loại hình nhà ở phù hợp với công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hy vọng trong thời gian tới khi ba luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua sẽ kích cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”- ông Lê Văn Nghĩa bày tỏ.